Dạy học có phải là ngành dịch vụ? Giáo viên có phải là nhân viên chăm sóc khách hàng?

0 615

Học sinh của bạn cần nghỉ sớm vài ngày để về quê ăn tết, vào tối hôm trước, phụ huynh gửi email thông báo đến giáo viên và “nhờ” bạn gửi bài tập cho con. Bạn có thấy tình huống này quen thuộc? Ngày nay, công việc giảng dạy bắt đầu giống như dịch vụ chăm sóc khách hàng. Khi mà phụ huynh được quyền phàn nàn về các vấn đề liên quan đến trường học, được quyền ra quyết định về những vấn đề liên quan đến con họ. Còn việc của giáo viên và nhà trường là lắng nghe và đáp ứng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi “khách hàng không phải lúc nào cũng đúng?” Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta đáp ứng tất cả các yêu cầu của phụ huynh? Liệu rằng chúng ta có thể duy trì được chuẩn mực và sự kỳ vọng đối với học sinh, khi trong mắt của chúng, cha mẹ mới là người có quyền lực thực sự?

Tại sao chúng ta lại đang đối xử với công việc dạy học như dịch vụ chăm sóc khách hàng? 

Cùng với sự gia tăng của các “phụ huynh trực thăng” đó là tình trạng, trường học trở thành một nơi cung cấp “dịch vụ giảng dạy”. Khi phụ huynh phải chi trả một khoản học phí lớn, nghĩa là họ có quyền được yêu cầu và chất vấn mọi thứ liên quan đến con họ. Trong khi đó, các hiệu trưởng và thành viên của ban giám hiệu lại tỏ ra lo lắng nếu như những yêu cầu của phụ huynh không được thỏa mãn tức thời. Điều này dẫn đến việc, giáo viên bị biến thành “nhân viên chăm sóc khách hàng” để làm cho mọi thứ trở nên vui vẻ, hài hòa.

Ở rất nhiều trường, sự hài lòng của phụ huynh trở thành một tiêu chí đánh giá giáo viên. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, giáo viên chủ động chiều lòng phụ huynh để được đánh giá cao. Điều này khiến cho giáo viên sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu từ phía phụ huynh. Nhiều giáo viên còn sẵn sàng dành cả thời gian nghỉ ngơi cho việc “tâm sự” với phụ huynh hay lắng nghe phụ huynh than phiền về con cái của họ. Đi xa hơn, phụ huynh còn can thiệp cả về nội dung và phương pháp giảng dạy của giáo viên, chỉ đạo giáo viên nên dạy thế này hay thế khác,…

Việc làm “hài lòng khách hàng” không nằm trong chương trình đào tạo giáo viên

Để làm hài lòng tất cả mọi người thực sự là điều rất mệt mỏi. Hầu như giáo viên nào cũng phải giữ “vẻ mặt vui vẻ”, ngay cả khi phụ huynh đưa ra những yêu cầu vô lý. Thật không may, đây lại trở thành tiêu chuẩn đánh giá giáo viên trong nhiều trường học. Một giáo viên đã chia sẻ trên Facebook: “Hiệu trưởng đã nói, giáo dục ngày nay là một ngành dịch vụ. Chúng ta phải làm hài lòng các bậc phụ huynh. Hãy nhớ, phụ huynh luôn đúng. Nếu phụ huynh không hài lòng, thì ban giám hiệu cũng sẽ không cảm thấy hài lòng.” Vậy còn hạnh phúc của giáo viên thì sao? Tôi có cảm nhận là chúng ta đang tập trung vào việc làm hài lòng phụ huynh hơn là giải quyết vấn đề.

Thầy cô không phải là siêu nhân hay người “hoàn mỹ”

Nhiều người trong chúng ta luôn cầu toàn trong công việc, mong muốn tất cả mọi thứ đều tốt đẹp và đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên. Nhưng có một thực tế là, chúng ta không phải là một siêu nhân và cũng không phải là những con người hoàn mỹ. Việc đáp ứng được TẤT CẢ các nhu cầu của phụ huynh và học sinh về học tập nhưng vẫn làm cho họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ, hài lòng dường như là điều không tưởng. Hơn nữa phụ huynh không phải là khách hàng và trường học không phải là doanh nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra, nếu trong một lớp học, thay vì dành thời gian cho học sinh và công việc giảng dạy, giáo viên lại tìm cách để tỏ ra “hoàn hảo” trước phụ huynh và ban giám hiệu? Khi đó, những điều thực sự học được sẽ là gì? Khi đó, điều quan trọng nhất của chất lượng “dịch vụ giáo dục” liệu có thực sự được đảm bảo?

Trường học không phải lúc nào cũng dễ dàng hay vui vẻ

Áp lực để làm cho hoạt động dạy học trở nên vui vẻ với học sinh là rất lớn. Một giáo viên đã từng chia sẻ: “Ngay cả khi tôi đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo phụ huynh và học sinh hài lòng… nếu họ vẫn không hài lòng, thì điều đó bị xem là lỗi của tôi. Tôi vẫn cần phải làm bất cứ điều gì để thỏa mãn mong muốn của họ, bất kể điều đó thiếu thực tế hay vô lý đến mức nào.” Tất nhiên, giáo viên muốn học sinh của mình vui vẻ (bằng cách dành nhiều thời gian để lên kế hoạch cho những bài học hấp dẫn), nhưng chúng ta cũng biết rằng học sinh sẽ học được nhiều điều từ việc vật lộn với thử thách, phạm sai lầm, thất bại và thử sai, làm lại. Nếu học sinh mong muốn trường học luôn dễ dàng và vui vẻ, liệu rằng chúng có đủ kiến thức, kĩ năng để vượt qua các bài thi cuối cấp? Liệu chúng có được trang bị những kỹ năng cần thiết để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống sau này. Chưa kể, hầu hết các trường đều yêu cầu giáo viên duy trì được nội quy và kỉ luật. Khi đó, giáo viên bị kẹt vào giữa khi vừa phải làm cho học sinh cảm thấy vui vẻ, thoải mái nhưng vẫn trong khuôn khổ kỉ luật.

Giáo viên không cần phải phản hồi ngay lập tức

Một giáo viên chia sẻ rằng mình lúc nào cũng bị vây bủa bởi phụ huynh. “Thật đáng buồn, nhiều phụ huynh dường như không hiểu được các ranh giới. Nhiều phụ huynh nhắn tin vào lúc nửa đêm hay vào ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng điều đáng nói là, họ luôn đòi hỏi phải nhận được câu trả lời hay phản hồi ngay lập tức”. Cũng giống như tất cả mọi người, giáo viên cũng cần có thời gian nghỉ ngơi. Điều đó không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ công việc của mình. Nhưng nếu những điều này liên tục xảy ra, liệu giáo viên còn đủ thời gian và năng lượng để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho bài dạy?

Nhiều giáo viên đặt câu hỏi: khi nào chúng ta có thể dừng việc dạy học để dành thời gian cho gia đình và con cái? Tại sao nhiều trường học lại yêu cầu giáo viên phải duy trì tương tác với phụ huynh sau giờ học? Tại sao, nhiều phụ huynh lại cho rằng, giáo viên cần dành thời gian để lắng nghe họ tâm sự hay than phiền về việc học của con họ?… Đã đến lúc chính giáo viên và các trường học cần dừng lại việc “luôn luôn lắng nghe” và “phản hồi ngay lập tức”, thay vào đó, cần có sự cam kết và xác lập những khoảng thời gian dành cho việc giao tiếp trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên cũng như phụ huynh cùng chọn ra những phương thức trao đổi phù hợp (thay vì gọi điện thoại trực tiếp).

Giáo viên đôi khi phải đưa ra phản hồi thực tế và nêu ra những khó khăn

Không bao giờ là dễ dàng khi chúng ta phải đưa ra những phản hồi “không tích cực” cho phụ huynh. Nhưng đó là một phần của công việc. Phụ huynh cũng cần phải biết được năng lực và trình độ thực tế của con mình mặc dù nó không mấy khả quan. Bằng việc trao đổi thẳng thắn về những vấn đề thực tế đi kèm những minh chứng thuyết phục, giáo viên sẽ làm cho phụ huynh hiểu đúng và hiểu rõ vấn đề đối với con họ. Điều này tốt hơn rất nhiều lần so với việc động viên, “lấy lòng” họ bằng những mỹ từ nhưng không phản ánh đúng khó khăn mà con họ đang gặp phải. Điều quan trọng nhất, hãy cho phụ huynh thấy được những gì bạn đã làm, những gì bạn đang làm và đang đồng hành cũng phụ huynh và con của họ.

Nếu chúng ta đối xử với việc giảng dạy như một dịch vụ, nó sẽ để lại những hậu quả

Kỳ vọng khiến phụ huynh và học sinh hài lòng và “đáp ứng mọi yêu cầu” khiến cho các giáo viên bị choáng ngợp, kiệt sức và có ít thời gian cho bản thân. May mắn thay, không phải trường học nào cũng coi việc giảng dạy giống như một ngành dịch vụ. Xin cảm ơn các hiệu trưởng và thành viên của Ban giám hiệu đã hỗ trợ giáo viên và thực thi những điều hợp lý và thực tế đúng với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi công việc của giáo viên. Cảm ơn các ban giám hiệu đã đối xử với giáo viên một cách chuyên nghiệp, giúp giáo viên có đủ kiến thức và kĩ năng để giải quyết các vấn đề với những phụ huynh khó tính hoặc khi họ thể hiện sự không hài lòng về trường học. Cuối cùng, hãy nhớ rằng, giáo viên không phải là nhân viên trong một ngành dịch vụ, họ được sinh ra để dạy học với đầy đủ những ý nghĩa của từ này.

Táo Giáo Dục

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.