QUAN ĐIỂM CỦA HOWARD GARDNER VỀ THUYẾT ĐA TRÍ TUỆ
Tổ chức Edutopia có cuộc phỏng vấn năm 1997 với giáo sư Đại học Harvard về thuyết đa trí tuệ cũng như các hình thức đánh giá mới.
Đôi điều về Howard Gardner: ông là Giáo sư ngành khoa học Nhận thức và Giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục Harvard. Ông cũng giữ vị trí giáo sư trợ lý tâm lý tại Đại học Harvard và là giám đốc cấp cao của Harvard Project Zero. Ông đã viết 20 cuốn sách và hàng trăm bài báo, và nổi tiếng với thuyết đa trí tuệ. Ông cho rằng trí thông minh của con người vượt xa các phép đo bằng lời nói và ngôn ngữ; logic và toán học truyền thống. Trong bài cuộc phỏng vấn này, ông thảo luận về việc học sinh định hướng quá trình học tập, thuyết đa trí thông minh và các phương pháp đánh giá khác nhau.
1. Tầm quan trọng của việc thu hút học sinh tham gia tích cực vào nội dung bài học:
Chúng ta xây dựng nên hệ thống trường học với hy vọng rằng trẻ em nhận được quyền học tập. Nhưng quan trọng hơn là, một ngày nào đó khi sau khi học sinh đã rời trường học, chúng vẫn có thể áp dụng được những gì đã được dạy trong nhà trường. Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra, chỉ khi nào học sinh đóng vai trò tích cực trong quá trình học tập; khi học sinh tự học cách đặt câu hỏi, tự nghiên cứu để tìm câu trả lời, thì việc học mới thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay, về cơ bản việc học chỉ là tái hiện lại những gì đã học rồi quên sạch nó. Học sinh có thể đạt điểm cao trong bài kiểm tra, nhưng một hoặc hai năm sau, chúng không còn nhớ gì cả.
2. Đặc điểm của việc học sinh định hướng quá trình học tập:
Mặt khác, nếu người học tự mình thực hiện một thí nghiệm, phân tích dữ liệu, đưa ra dự đoán và xem liệu nó có chính xác hay không. Nếu người học làm các nghiên cứu lịch sử và thực sự tự mình phỏng vấn các nhân chứng, rồi sau đó đọc các tài liệu, nghe các cuộc phỏng vấn, quay lại và đặt thêm câu hỏi, thì học sinh có thể viết lên bài kiểm tra vô số các thông tin mà chúng đã lĩnh hội. Trong khi đó, nếu người học chỉ ghi nhớ một loạt các tên và một loạt các sự kiện, thậm chí là một loạt các định nghĩa, thì sẽ không có gì để lưu giữ trong trí nhớ.
3. Thuyết đa trí tuệ:
Ý tưởng về thuyết đa trí thông minh xuất phát từ các nghiên cứu tâm lý học. Lý thuyết này thừa nhận thực tế rằng, con người có những loại trí thông minh rất khác nhau. Những thế mạnh khác nhau này rất quan trọng trong cách trẻ em học và cách giáo viên tác động đến bộ não của chúng, cũng như làm như thế nào để học sinh có thể thể hiện được việc chúng đã làm chủ nội dung bài học.
Nếu tất cả chúng ta đều có cùng một loại trí thông minh, thì chúng ta sẽ dạy học sinh theo cùng một cách và đánh giá chúng theo cùng một kiểu và điều đó được coi là hoàn toàn bình thường. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng mọi người có những cách tư duy khác nhau có những trí thông minh khác nhau: một số người giỏi về tư duy không gian, một số thiên về tư duy ngôn ngữ, những người khác lại có tư duy logic, những người khác cần phải thực hành và khám phá, trải nghiệm. Chính vì thế, giáo dục đối xử với mọi người theo cùng một cách là điều không công bằng?
4. Công nghệ và thuyết đa trí tuệ:
Nếu trong một lớp học, chúng ta có những đứa trẻ khác nhau: Một đứa trẻ có trí tuệ về không gian hoặc hình ảnh, một đứa trẻ khác có trí thông minh thực hành, đứa trẻ thứ ba thích hỏi những câu triết lý sâu sắc, đứa trẻ thứ tư thích những câu chuyện. Dù không thể ngay lập tức đáp ứng nhu cầu của tất cả, nhưng chúng ta có thể cung cấp phần mềm, tài liệu, tài nguyên để trình bày bài học theo những cách để trẻ cảm thấy thú vị nhất. Trẻ có thể sử dụng trí thông minh của chúng một cách hiệu quả và dựa vào các ứng dụng công nghệ, trẻ thực sự có thể thể hiện sự hiểu biết của mình theo cách mà chúng thấy thoải mái.
Chúng ta thường mặc định, cách duy nhất để học một cái gì đó là đọc nó trong sách giáo khoa hoặc nghe một bài giảng. Và cách duy nhất để chứng tỏ rằng chúng ta đã hiểu điều gì đó là làm một bài kiểm tra hoặc đôi khi có thể là một bài luận. Nhưng điều đó thật vô lý. Tất cả mọi thứ có thể được dạy theo nhiều cách. Và bất cứ điều gì cũng có thể được thể hiện theo nhiều cách. Tôi không tin rằng bởi vì chúng ta có tám loại hình trí thông minh nên chúng ta phải dạy mọi thứ theo tám cách. Tôi nghĩ điều đó thật ngớ ngẩn. Nhưng chúng ta luôn phải tự hỏi mình, liệu chúng ta có thể thỏa mãn được tất cả mọi đứa trẻ không? và nếu không thì liệu có cách nào khác để chúng ta làm điều đó không?
5. Nhu cầu thay đổi chương trình giảng dạy
Tôi nghĩ rằng chúng ta đang dạy theo một cách cho quá nhiều môn học. Chúng ta sử dụng quá nhiều tài liệu, và kết quả cuối cùng là học sinh có kiến thức rất hời hợt như chúng ta thường nói, “rộng một dặm và sâu một inch”. Sau đó, khi học sinh rời khỏi nhà trường, hầu như mọi thứ đều bị lãng quên. Và tôi nghĩ rằng trường học cần phải thay đổi để hướng đến những cải cách thực sự.
Hãy lấy lĩnh vực khoa học làm ví dụ. Tôi thực sự không quan tâm nếu một đứa trẻ học vật lý, sinh học, địa chất hoặc thiên văn học trước khi nó vào đại học. Mất quá nhiều thời gian để làm công việc chi tiết đó. Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là bắt đầu học cách suy nghĩ một cách khoa học. Để hiểu một giả thuyết là gì. Làm thế nào để kiểm tra nó và xem liệu nó có hiệu quả hay không? Nếu nó không khả thi, làm thế nào để sửa đổi lý thuyết đó? Nếu bạn là người học, chắc chắn lúc đó bạn sẽ phải dành thời gian để tìm hiểu. Từ việc thực hiện nhiều loại thí nghiệm khác nhau, xem khi nào kết quả giống như những gì bạn dự đoán, hoặc khi nào thì kết quả khác, v.v. Bạn có thể trình bày điều đó trong một tuần, hoặc thậm chí đến cả tháng.
Bạn sẽ thấy lợi ích của cách học này một khi bạn đi sâu vào lĩnh vực khoa học khi học đại học. Hoặc khi bạn đi làm, ở nơi làm việc, bạn sẽ biết được sự khác biệt giữa một vấn đề là quan điểm hoặc định kiến, bởi bạn biết cái nào có bằng chứng xác đáng.
6. Cách đánh giá ở trường khác với đánh giá trong lĩnh vực khác như thế nào, chẳng hạn như thể thao hoặc âm nhạc?
Vai trò quan trọng nhất của các đánh giá là cho chúng ta biết được điều cần làm tiếp theo. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung một đứa trẻ học một môn thể thao hoặc một loại hình nghệ thuật trưởng thành qua việc tham gia những sân chơi từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Những đứa trẻ thấy, thử và được huấn luyện về lĩnh vực đó, do vậy chúng biết khi nào trở nên tốt hơn, hoặc biết chúng đang ở vị trí nào so với những đứa trẻ khác.
Trong trường học, đánh giá không rõ ràng như vậy. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong bài kiểm tra và sau kiểm tra xong, cả giáo viên và học sinh đều không biết phải làm gì. Vì vậy, những gì tôi muốn là tập trung vào trẻ em nhiều hơn, từ ngày đầu tiên khi học sinh đi học, cho đến các buổi biểu diễn và triển lãm…
7. Cần một cách tiếp cận mới về đánh giá trong trường học
Hãy nhìn vào những thứ mà chúng ta thực sự coi trọng. Đó là sự rõ ràng. Chúng ta hãy cung cấp phản hồi cho trẻ em càng sớm càng tốt và sau đó cho phép chúng tiếp thu để tự đưa ra nhận xét xem điều gì là phù hợp hoặc không phù hợp.
Tôi là một nhà văn và ban đầu tôi cần phải thu nhận rất nhiều phản hồi từ các biên tập viên, trong đó đa phần là lời phê bình. Theo thời gian, tôi đã học được những gì quan trọng. Tôi đã học cách tự chỉnh sửa, và bây giờ với tôi, các phản hồi từ các biên tập viên không còn cần thiết nhiều như trước nữa. Và tôi nghĩ rằng bất kỳ ai khi trưởng thành đều biết rằng khi chúng ta trở thành chuyên gia trong công việc thì không cần phải có quá nhiều nhận xét, phê bình bên ngoài; chúng ta có thể tự đưa ra các đánh giá. Vì thế, các đánh giá không nên chỉ là công việc mà giáo viên thực hiện với học sinh, mà học sinh phải là tác nhân tích cực nhất.
8. Những điều kiện để diễn ra thay đổi trong giáo dục công
Tôi nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong giáo dục Mỹ. Thay vì chỉ ở bên lề, trước hết mọi người phải xem các ví dụ về những nền giáo dục ưu việt, nơi học sinh đang học tập một cách sâu sắc, nơi chúng có thể thể hiện kiến thức của mình một cách công khai, và nơi mọi người nhìn vào những đứa trẻ và nói “đó là những đứa trẻ tuyệt vời”. Vì vậy, chúng ta cần phải có đủ những ví dụ tốt.
Thứ hai , chúng ta cần giáo viên và thành viên của ban giám hiệu tin vào sự đa dạng trí thông minh nơi mỗi đứa trẻ. Những người thực sự muốn làm điều gì đó để có thể tạo nên sự thay đổi. Chuyển một nền giáo dục lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy chính đứa trẻ là trung tâm của việc học.
Thứ ba, tôi nghĩ chúng ta cần có những đề án đánh giá thực sự thuyết phục mọi người rằng loại hình giáo dục này đang rất hiệu quả. Và thật không tốt khi việc học tập diễn ra rất đa dạng nhưng cuối cùng thì lại sử dụng các bài kiểm tra trắc nghiệm cách đây 50 hoặc 100 năm.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng phải có một cam kết chính trị để đảm bảo đây là mô hình giáo dục mà chúng ta muốn có ở đất nước này, và có thể các ở quốc gia khác trong tương lai gần. Khi giáo viên lúc nào cũng kêu bận hoặc khi chúng ta không dám thử bất cứ điều gì vì sợ nó có thể thất bại, thì cuộc cải cách sẽ bị kìm hãm lại và giáo dục sẽ duy trì tình trạng giống như trong quá khứ.
Edutopia
Táo Giáo Dục dịch