Bức thư từ một “học sinh cá biệt”

Con chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ đã khiến cô phải phiền lòng. Đứa trẻ đã vẽ lên tường lớp học, đã làm vỡ màn hình máy tính của bạn. Đứa trẻ ngồi dưới lớp nhưng không bao giờ chịu im lặng, luôn nhại lại hoặc cố tình chọc tức giáo viên.

0 831

Cô yêu quý,

Con chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ đã khiến cô phải phiền lòng. Đứa trẻ đã vẽ lên tường lớp học, đã làm vỡ màn hình máy tính của bạn. Đứa trẻ ngồi dưới lớp nhưng không bao giờ chịu im lặng, luôn nhại lại hoặc cố tình chọc tức giáo viên.

Con không làm bài tập, con phá hoại tài sản của nhà trường, con đánh các bạn, con không thực hiện nội quy của lớp… con không tuân thủ bất kì một khuôn khổ nào. Con là một học sinh cá biệt và con đã làm cho cô phải khóc nhiều lần trước lớp.

Nhưng những điều con làm không thực sự muốn làm tổn thương cô

Con biết những điều con vừa nói chẳng có ý nghĩa gì cả, vì dù sao con cũng đã làm nó rồi. Tuy nhiên, có những khi con không hề cố ý làm điều đó như một cách khiến cô bị tổn thương.

Trong sâu thẳm, thực sự con vẫn là một đứa trẻ ngoan. Có rất nhiều điều mà con quan tâm. Con có những kỹ năng tốt và điểm mạnh, con muốn được giúp đỡ người khác. Trên thực tế, con vẫn thầm mong cô biết được tất cả những điều tốt đẹp về con.

Nhưng thật không may, cô lại không được nhìn thấy những điều tốt đẹp này.

Cô đã bao giờ đổ dầu và nước vào trong một thùng chứa chưa? Hẳn là khi đó, dầu sẽ nổi lên trên cùng đúng không? Nó giống như nỗi sợ hãi và lo sợ mà con phải đối mặt, nó luôn hiện lên đầu tiên còn những điều tốt đẹp lại luôn chìm xuống. Thỉnh thoảng, cô có thể lay con dậy khi con ngủ gật trong lớp và cố gắng để nhìn thoáng qua những điều tốt đẹp trên bề mặt. Nhưng dù con có cố gắng đến đâu, nỗi sợ hãi sẽ lại nổi lên và bao trùm tất cả. Dần dần, cách mà con phản ứng với nỗi sợ hãi – sự tức giận, chống đối lại trở thành con người của con. Thậm chí, chính bản thân con cũng đã bắt đầu tin vào điều đó.

Nỗi sợ hãi mà con cảm thấy khác với những gì cô tưởng tượng. Không phải lúc nào nó cũng là nỗi sợ hãi hoặc đau đớn thực sự (mặc dù đôi khi đúng như vậy). Con có thể sợ rằng mình không xứng đáng được yêu thương. Vì bố con đã bỏ mẹ con ngay sau khi con được sinh ra. Con có thể sợ rằng mình sẽ lớn lên giống như mẹ, một người luôn bỏ rơi con trong mọi tình huống. Hoặc con có thể buồn vì gia đình và mọi người xung quanh khi họ nói rằng con không đủ nam tính, mạnh mẽ vì con đã khóc quá nhiều và không đam mê thể thao như các bạn. Con cũng cảm thấy buồn, sợ hãy và đau đớn khi một người lẽ ra phải yêu thương và bảo vệ con lại là người đã khiến con bị tổn thương sâu sắc.

Có thể cô cho rằng không có lời bào chữa nào cho những hành vi và cách cư xử của con. Cô cũng có thể nghĩ: “Tại sao có bao nhiêu đứa trẻ khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, thiệt thòi hơn mà vẫn luôn cư xử đúng cách”.

Nhưng hãy nhớ rằng những gì mà cô thấy chỉ là một phần…

Có thể cô không biết một điều, đó là áp lực phải trở nên hoàn hảo hoặc khác biệt với con người thật quá mãnh liệt và đè bẹp khiến con tin rằng mình là một kẻ thất bại và con quá sợ hãi khi nói với bất kỳ ai điều đó.

Có thể cuộc sống gia đình của con vẫn ổn, nhưng con luôn mang một mặc cảm rằng con không xứng đáng, không được yêu thương hoặc không thuộc về một nơi nào đó, không được chào đón,… Có thể đang có một điều gì đó diễn ra, hoặc đã xảy ra, mà không ai, kể cả bố mẹ con biết về điều đó ngoại trừ con. Và con đã làm rất tốt việc giả vờ rằng mình đang hạnh phúc hoặc không quan tâm.

Con biết rằng, con đang khiến cho công việc của cô gặp khó khăn. Con biết, cô không đáng phải nhận một rắc rối như con trong lớp học. Nhưng con muốn cô biết được điều này: Ở một nơi nào đó, ở một tình huống nào đó, con đã chọn cư xử theo cách này vì con biết cô là người có thể giúp đỡ con.

Đây là tiếng kêu cứu.

Con muốn được làm những điều giống như những người khác làm, nhưng con lại đang hành xử theo những cách khó hiểu và khiến mọi người cảm thấy khó chịu.

Con không biết làm thế nào để thay đổi nó. Con biết, cô không nhất thiết phải có trách nhiệm quan tâm hay thay đổi con người của con. Nhưng đây là cách mà cô có thể giúp con.

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Bản thân con thấy mình rất mong manh, và dễ bị tổn thương. Nhưng cô hãy kiên nhẫn, bình tĩnh, đừng cố gắng loại bỏ tất cả những “vấn đề” của con ngay lập tức hoặc yêu cầu con phải mở lòng ngay về nỗi sợ hãi và nỗi đau của mình.

Cho con thấy được rằng, cô đang quan tâm đến con – không phải hành vi của con, mà là điều gì đó về chính bản thân con.

Hãy hỏi con về một điều gì đó.

Đừng nhượng bộ khi con đang có hành vi không đúng hay cố tình trêu tức cô.

Có lẽ, dần dần, con sẽ học cách tin tưởng cô. Hoặc có thể con sẽ cần nhiều thời gian và cô cũng sẽ không thấy bất kỳ tiến triển nào trong khoảng thời gian trên lớp, nhưng sự kiên nhẫn và lòng tốt của cô sẽ gieo một hạt giống. Nó sẽ nảy mầm nhiều năm sau đó.

Nhưng làm ơn, làm ơn, hãy đừng từ bỏ sự quan tâm với con.

Yêu cô,

Học sinh của Cô

(Tác giả Kelley Treleaven – Táo Giáo Dục dịch)

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.