Cách để tổ chức hiệu quả hoạt động thảo luận trong quá trình dạy học
Các cuộc thảo luận trong lớp học cách để học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân và hình thành những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống và nghề nghiệp trong tương lai. Khi được chuẩn bị kỹ lưỡng và tạo điều kiện thuận lợi, nó cũng có thể thúc đẩy quá trình học tập của học sinh, đồng thời kiến tạo một cộng đồng lớp học dân chủ, tích cực và hạnh phúc.
Hoạt động thảo luận được coi là một trong những chiến thuật dạy học tích cực hiệu quả, nó không chỉ mang đến cơ hội tương tác giữa các học sinh mà con là sự trao quyền cho người học trong quá trình học tập. Thông qua hoạt động thảo luận, học sinh thực sự có được tiếng nói, thúc đẩy sự hợp tác trong lớp học. Để có được hoạt động thảo luận thành công, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ phía giáo viên.
Dưới đây là một số kinh nghiệm để tổ chức một hoạt động thảo luận hiệu quả:
Chuẩn bị cho hoạt động thảo luận
- Giáo viên cần nghiên cứu và xem xét, liệu các nội dung và kĩ năng đặt ra trong mục tiêu bài học có thực sự phù hợp để thảo luận hay không. Ví dụ: nếu chúng ta chỉ đặt ra mục tiêu, giúp học sinh hiểu rõ về bối cảnh lịch sử của chiến tranh Lạnh và các nhân vật lịch sử trong giai đoạn này, thì việc thảo luận là không cần thiết. Học sinh có thể chỉ cần đọc tài liệu, xem video hoặc có thể nghe giáo viên giảng. Nhưng nếu mục tiêu học tập, yêu cầu học sinh thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề trong cuộc chiến tranh Lạnh, liên hệ, so sánh các xung đột trong chiến tranh Lạnh với các cuộc chiến tranh trong quá khứ, hoặc đưa giải pháp cho các xung đột hiện tại thì hoạt động thảo luận cả lớp lại là điều rất cần thiết.
- Sắp xếp lớp học sao cho tất cả học sinh đều có thể nhìn thấy nhau. Giáo viên có thể lựa chọn cách sắp xếp ghế và bàn theo hình tròn hoặc hình bán nguyệt. Điều này nghe có vẻ rất cơ bản, nhưng nó thường bị bỏ qua. Thông thường, giáo viên chỉ cho học sinh ngồi tại chỗ quay mặt lại với nhau hoặc cho học sinh thảo luận với bạn bên cạnh mà ít có cơ hội nhìn thấy các học sinh của nhóm khác.
- Thiết lập một vài quy tắc và quy trình cho cuộc thảo luận. Các ví dụ, giáo viên có thể đưa ra quy tắc “một người nói – lắng nghe khi người khác trình bày”, hay “luôn đặt ra các câu hỏi về các vấn đề chưa hiểu rõ”.
Dẫn dắt hoạt động thảo luận
- Hãy đưa ra một câu hỏi hoặc một vấn đề trọng tâm cho cuộc thảo luận và phát triển một loạt các câu hỏi gợi ý tiếp theo. Ví dụ, vấn đề trọng tâm của cuộc thảo luận có thể là: ‘Dựa trên hiểu biết của em về các cuộc chiến tranh trong lịch sử như: Thế chiến thứ nhất, Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, v.v.) Chiến tranh Nga – Ukraine có thể tránh được hay không?’ Khi cuộc thảo luận của học sinh bắt đầu, hãy hướng dẫn học sinh cách tìm hiểu sâu hơn thông qua các câu hỏi như: em có thể đưa ra một ví dụ cụ thể không? Em có đồng ý với những gì bạn mình vừa trình bày? Có phải Chiến tranh Nga – Ukraine là sự lặp lại của những sai lầm trong quá khứ?…
- Lắng nghe. Một giáo viên tốt là người từ bỏ quyền kiểm soát của mình đối với lớp học và để học sinh được thực sự làm chủ quá trình học tập. Để làm được điều đó, giáo viên cần tập thói quen lắng nghe, hãy ghi lại những ý tưởng của học sinh, hãy chú ý đến những gì học sinh đang thể hiện thay vì tập trung vào việc đưa ra câu trả lời vào sửa lỗi sai. Đối với những điều học sinh làm chưa tốt, thay vì chỉnh sửa ngay lập tức, hãy biến nó thành các câu hỏi cho học sinh.
- Tóm tắt. Khi tham gia vào một cuộc thảo luận lôi cuốn và hấp dẫn, học sinh có thể khó theo dõi và nắm được những nội dung chính. Vì vậy, giáo viên nên tạm dừng và tóm tắt lại những nội dung đã được thảo luận sau khoảng thời gian 5 – 10 phút. Giáo viên có thể cùng học sinh tái hiện lại các nội dung thảo luận và ghi nó lên bảng, cũng như ghi lại những câu hỏi được đặt ra.
- Sử dụng các hướng dẫn thảo luận. Việc thảo luận, tương tác giữa các học sinh với nhau vốn không phải là điều dễ dàng. Thay vì tập trung vào các ý tưởng và tranh luận, ngay từ đầu, giáo viên nên hướng dẫn học sinh các quy trình thảo luận, các phương thức, hình thức thảo luận. Điều này sẽ giúp cho hoạt động thảo luận thực sự có hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
Sau khi thảo luận
- Tóm tắt và suy ngẫm. Hoạt động thảo luận có thể rất sôi nổi và hấp dẫn, nhưng nó vẫn không đạt được hiệu quả tối đa nếu thiếu đi sự suy ngẫm từ học sinh. Hãy yêu cầu học sinh chia sẻ một điều mà các em đã học được từ các bạn cùng lớp trong buổi thảo luận. Ngoài ra, hãy yêu cầu học sinh đánh giá mức độ tuân thủ các quy tắc và quy trình thảo luận mà giáo viên đã đưa ra, liệu các quy tắc đó có phải điều chỉnh hay không?…
Các cuộc thảo luận trong lớp học cách để học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân và hình thành những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống và nghề nghiệp trong tương lai. Khi được chuẩn bị kỹ lưỡng và tạo điều kiện thuận lợi, nó cũng có thể thúc đẩy quá trình học tập của học sinh, đồng thời kiến tạo một cộng đồng lớp học dân chủ, tích cực và hạnh phúc. Trong quá trình dạyhọc, nếu bạn có các kinh nghiệm hữu ích, hãy chia sẻ cùng chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.
Táo Giáo Dục