Áp dụng các chiến thuật dạy học phân hóa vào thực tế
Để giúp học sinh phát huy được tối đa khả năng và thế mạnh của bản thân, giáo viên nên thử áp dụng các chiến thuật dạy học phân hóa vào lớp học. Những chiến thuật này giúp đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng, phù hợp với sở thích, cá tính và phong cách học tập của mỗi học sinh. Trong dạy học phân hóa, giáo viên sẽ sử dụng nhiều kĩ thuật khác nhau để dạy về cùng một nội dung. Đồng thời, nó cũng chia nội dung và phương pháp giảng dạy thành các cấp độ khác nhau dựa trên sự sẵn sàng của học sinh. Mục tiêu của các chiến lược dạy học phân hóa là đảm bảo rằng tất cả học sinh đều tham gia vào quá trình học tập bằng cách tạo các nhiệm vụ phù hợp với từng cá nhân..
Giáo viên có thể áp dụng các chiến thuật dạy học phân hóa thông qua nhiều cách khác nhau: tạo nhóm linh hoạt, các trạm/trung tâm học tập và nghiên cứu độc lập, điều chỉnh câu hỏi v.v. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ xem xét về từng chiến thuật.
Tạo nhóm linh hoạt
Giáo viên sử dụng cách chia nhóm linh hoạt vì nó mang lại cho học sinh cơ hội làm việc với các học sinh có sự khác biệt về phong cách học tập, sự sẵn sàng hoặc sở thích. Tùy theo mục đích của bài học, giáo viên có thể lên kế hoạch hoạt động dựa trên trình độ, năng lực của học sinh, sau đó sử dụng phương pháp chia nhóm linh hoạt để phân nhóm học sinh cho phù hợp.
Chìa khóa để nhóm linh hoạt là đảm bảo rằng các nhóm không tĩnh/cố định. Giáo viên phải liên tục tiến hành đánh giá trong suốt quá trình học tập và luân chuyển học sinh giữa các nhóm khi các em thành thạo các kiến thức và kỹ năng. Thông thường, giáo viên có xu hướng chia nhóm học sinh theo khả năng vào đầu năm học và sau đó duy trì các nhóm cố định đó trong một thời gian dài. Đây không phải là một kỹ thuật hiệu quả, nó sẽ cản trở học sinh nỗ lực và đạt được sự tiến bộ.
Các trạm học tập
Giáo viên sẽ tạo ra các trạm học tập trong lớp học, mỗi trạm chứa nhiều loại tài liệu, nơi học sinh có thể tự mình khám phá các chủ đề hoặc thực hành các kỹ năng. Về bản chất, chúng rất linh hoạt và có thể giải quyết nhiều nhu cầu của người học. Giáo viên có thể thiết kế các trạm với mức độ phức tạp khác nhau hoặc cho các chủ đề khác nhau.
Các trạm học tập cung cấp cho giáo viên cơ hội trình bày cùng một thông tin theo nhiều cách khác nhau. Điều đó sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận mọi đối tượng học sinh trong lớp.
Nghiên cứu độc lập
Giáo viên nên thiết kế và giao các nhiệm vụ nghiên cứu độc lập cho học sinh đã nắm vững nội dung bài học (thường là những học sinh có năng lực tốt hơn). Giáo viên cũng có thể tạo ra các nhiệm vụ nghiên cứu độc lập dựa trên sở thích cá nhân của học sinh (chẳng hạn, như nghiên cứu tài liệu, báo chí hoặc internet) các nhiệm vụ này thường rất hiệu quả khi học sinh được lựa chọn chủ đề.
Để hoạt động nghiên cứu độc lập thành công, giáo viên cần chắc chắn rằng học sinh đã thành thạo các kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu của mình.Giáo viên cần tiến hành một cuộc khảo sát về sở thích và phong cách học tập của học sinh. Sau đó, để đảm bảo học tập thành công, giáo viên cần đánh giá các kỹ năng nền tảng mà học sinh cần có để hoàn thành nhiệm vụ, cũng như đặt ra các mục tiêu, kỳ vọng để giúp học sinh đi đúng hướng..
Các nhiệm vụ phân tầng
Phân tầng nhiệm vụ là cách mà giáo viên tạo ra các nhiệm vụ học tập với sự khác biệt về độ khó và mức độ phức tạp. Các nhiệm vụ này được thiết kế dựa trên mức độ sẵn sàng của học sinh và các kỹ năng chính mà các em cần đạt được. Giáo viên cũng nên tiến hành các chính thức và thường xuyên để xác định mức độ hiểu biết của học sinh về chủ đề và nhiệm vụ học tập.
Các hoạt động có thể được thiết kế cho các nhóm nhỏ hoặc cá nhân. Nhiều giáo viên nhận thấy rằng chiến lược dạy học phân hóa này là một cách tuyệt vời để học sinh đạt được những mục tiêu giống nhau bằng cách tính đến nhu cầu cá nhân của từng học sinh.
Điều chỉnh các câu hỏi
Một cách dễ dàng mà giáo viên có thể áp dụng chiến thuật dạy học phân hóa là điều chỉnh các câu hỏi thảo luận tùy theo mức độ sẵn sàng hoặc khả năng của học sinh. Giáo viên có thể điều chỉnh câu hỏi dựa trên nền tảng kiến thức và hiểu biết của học sinh. Giáo viên cũng có thể sử dụng Phân loại của Bloom để tạo ra các câu hỏi từ dễ đến khó.
Học sinh được lựa chọn các hoạt động
Khi học sinh có được tiếng nói và sự lựa chọn, học sinh sẽ có động lực hơn đối với các hoạt động mà giáo viên tổ chức. Giáo viên có thể đưa ra các lựa chọn dựa trên sở thích hoặc phong cách học tập của học sinh. Học sinh cũng có thể được lựa chọn về những gì sẽ được học hoặc cách để tìm hiểu thông tin của bài học. Các lựa chọn có thể bao gồm các hoạt động, trạm học tập, nghiên cứu độc lập, nhóm nhỏ hoặc các hoạt động khác. Giáo viên cũng có thể tạo ra các dạng hoạt động khác nhau dựa trên thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner với 8 loại hình trí thông minh.
Việc áp dụng các chiến thuật dạy học phân hóa đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ phía giáo viên, nhưng chắc chắn nó sẽ mang lại hiệu quả rõ ràng đối với quá trình dạy học. Với việc áp dụng các chiến lược dạy học đa dạng, đánh giá thường xuyên và điều chỉnh linh hoạt, giáo viên có thể đáp ứng tất cả các phong cách học tập của học sinh. Đồng thời qua đó, giáo viên cũng nâng cao được năng lực chuyên môn của bản thân.
Táo Giáo Dục
THAM KHẢO THÔNG TIN VỀ KHÓA HỌC DẠY HỌC PHÂN HÓA – TÁO ĐÀO TẠO