Bí kíp tổ chức hoạt động nhóm hiệu quả: Phần III – Suy ngẫm
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến các hoạt động đặt câu hỏi và suy ngẫm sau hoạt động nhóm. Rất nhiều giáo viên, vì quá tập trung vào kết quả hoạt động, vì không có đủ thời gian, đã cắt bỏ bước này. Nhưng, đó lại là một trong những điều sai lầm. Bởi lẽ, như John Dewey đã nói: "Chúng ta không học hỏi từ kinh nghiệm ... chúng ta học từ việc suy ngẫm về những kinh nghiệm."
Bài viết này là bài cuối cùng nằm trong chuỗi 3 bài viết về kinh nghiệm tổ chức hoạt động nhóm hiệu quả. Các bạn có thể đọc hai bài viết trước tại đây:
Phần 1 – Lên kế hoạch
Phần 2 – Tổ chức hoạt động trên thực tế lớp học
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến các hoạt động đặt câu hỏi và suy ngẫm sau hoạt động nhóm. Rất nhiều giáo viên, vì quá tập trung vào kết quả hoạt động, vì không có đủ thời gian, đã cắt bỏ bước này. Nhưng, đó lại là một trong những điều sai lầm. Bởi lẽ, như John Dewey đã nói: “Chúng ta không học hỏi từ kinh nghiệm … chúng ta học từ việc suy ngẫm về những kinh nghiệm.” Việc suy ngẫm, không chỉ giúp học sinh nắm kiến thức tốt hơn mà còn tập trung vào những điểm học sinh đã làm tốt để phát huy và những điều học sinh gặp khó khăn để có thể cải thiện. Dưới đây là một số kinh nghiệm hướng dẫn học sinh suy ngẫm sau khi hoàn thành xong hoạt động nhóm:
- Đừng để hoạt động nhóm bị gián đoạn
Nếu học sinh có một khoảng thời gian nghỉ trong quá trình hoạt động nhóm hay thảo luận, sẽ rất khó có thể bắt đầu lại. Vì vậy, khi bạn cảm thấy năng lượng làm việc nhóm của học sinh đang cao trào, đó thường là thời điểm tốt để tập hợp học sinh lại với nhau, báo cáo kết quả và cùng nhìn lại quá trình làm việc. Việc suy ngẫm này có thể được tiến hành ở góc độ cá nhân hoặc tổ chức dưới hình thức của một hoạt động nhóm hoặc toàn lớp.
- Sử dụng các câu hỏi hoặc đặt ra các vấn đề phổ biến mà học sinh thường gặp trong quá trình thực hiện hoạt động
Một số giáo viên thường có thói quen tóm tắt những gì họ nghe được trong lúc học sinh làm việc trong các nhóm nhỏ trước khi đặt ra một câu hỏi lớn hơn cho toàn nhóm – hoạt động này báo hiệu cho cả lớp rằng tất cả lớp đã hoàn thành phần làm việc nhóm, nhưng vẫn còn nhiều điều cần đặt ra. Các giáo viên khác yêu cầu mỗi nhóm viết một câu hỏi mà mình vẫn còn băn khoăn, thắc mắc lên bảng sau đó, biến các câu hỏi đó trở thành chủ đề cho các cuộc thảo luận toàn lớp. Như vậy, thay vì, giáo viên là người dẫn dắt và làm chủ, hoạt động suy ngẫm này được tiến hành một cách tự nhiên từ chính học sinh và do học sinh thực hiện.
- Học sinh trình bày ngắn gọn và tập trung
Nếu giáo viên để các nhóm báo cáo kết quả hoạt động, đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc một nhóm chiếm quá nhiều thời gian cho việc trình bày sẽ làm các học sinh khác cảm thấy nhàm chán và mất động lực. Chính vì thế, giáo viên nên yêu cầu các nhóm viết ra 3 – 4 luận điểm – và ít nhất một câu hỏi – để chia sẻ với cả lớp.
- Dành thời gian để thảo luận về cách mà học sinh đã làm để hoàn thành nhiệm vụ
Trong nhiều trường hợp, giáo viên sẽ là người nhận xét, đánh giá sản phẩm của hoạt động nhóm và chỉ ra những điều học sinh cần khắc phục. Tuy nhiên, đó không phải là cách duy nhất. Giáo viên hoàn toàn có thể tổ chức hoạt động tự đánh giá và hướng dẫn học sinh sử dụng các mẫu phiếu, câu hỏi suy ngẫm về quá trình làm việc nhóm. Giáo viên có thể đặt ra những câu hỏi như:
- Những điểm em đã làm tốt? Những điểm em cần cải thiện?
- Em đã phối hợp, hợp tác với các thành viên khác trong nhóm để hoàn thành nhiệm vụ như thế nào?
- Những kiến thức và kĩ năng mà em học được qua quá trình làm việc nhóm?
- Nếu được thay đổi, em sẽ điều chỉnh điều gì để hoạt động nhóm trở nên hiệu quả hơn?
Có thể nói, hoạt động nhóm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Hi vọng, những gợi ý, kinh nghiệm mà chúng tôi đưa ra, sẽ giúp các thầy cô tự tin hơn trong quá trình tổ chức các hoạt động nhóm tích cực.
Táo Giáo Dục