Áp dụng học tập dựa trên dự án để dạy các ngôn ngữ trên thế giới

Blogger khách mời hôm nay là Don Doehla, giáo viên tiếng Pháp và chuyên viên đào tạo tại trường trung học Vintage ở Napa, California. Mới đây Don đã trở thành người điều phối của nhóm World Languages. Thầy có nhiều ý tưởng tuyệt vời để dạy ngôn ngữ, bao gồm việc áp dụng học tập dự án. Thầy chia sẻ một số lời khuyên hữu ích trong bài viết dưới đây.

0 547

Mặc dù thế giới này có thể nhỏ và phẳng, nhưng nó vẫn là một thế giới đa ngôn ngữ, đa văn hóa, và có sự kết nối với nhau. Do đó, các năng lực giao tiếp ngày càng quan trọng đối với sự hiểu biết và hợp tác với nhau – Vậy làm thế nào để có một tiếng nói chung? Nhu cầu của học sinh trong việc giao tiếp với những “người hàng xóm” cả trong và ngoài nước đang tăng lên mỗi giây! Đường biên giới giữa các quốc gia đang mờ đi khi mà nền văn hóa toàn cầu nổi lên. Định nghĩa về “người hàng xóm” cũng đã thay đổi. Chúng ta không còn bị cô lập khỏi những gì đang diễn ra trên toàn cầu. Các sự kiện gần đây cho thấy khá rõ điều này. Do vậy chúng ta phải có khả năng giao tiếp tốt và thành thạo, vượt qua mọi rào cản địa lý và sự cách biệt.

Những thách thức

Giống như các giáo viên ngôn ngữ khác, tôi cố gắng tập trung vào các yếu tố cốt lõi để tạo ra một chương trình giảng dạy theo tiêu chuẩn cho học sinh. Tôi cũng quan tâm đến việc trang bị các kỹ năng cần thiết mà học sinh cần có trong thế kỷ 21. Làm cách nào để biết tôi đã đạt được mục tiêu mong muốn của mình? Tôi cần những đánh giá xác thực để nắm được mức độ thành thạo ngôn ngữ, tạo cơ hội cho người học tham gia nhiều hơn, để làm việc trong các nhóm cộng tác, để phát triển các kỹ năng tư duy phê phán, quản lý thời gian và nguồn lực, để làm nổi bật các chủ đề toàn cầu bắt đầu vào năm tới! Trên hết, tôi muốn học sinh học cách sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ sẵn có hiện nay. Để làm điều này đòi hỏi phải mất nhiều thời gian. Nhưng vì chúng ta giáo viên nên chúng ta vẫn sẽ bắt đầu làm nó!

Lý do cho dạy học dự án

Tôi đến với dạy học theo dự án như một cách để kết hợp tất cả các điều đó lại với nhau. Các dự án mang đến cơ hội cho học sinh tham gia vào giao tiếp trong đời thực, trong bối cảnh cụ thể, với những người thực, và trên toàn cầu. Tôi cố gắng sắp xếp các dự án của mình theo tiêu chuẩn khung năng lực ngôn ngữ. Tôi cũng chú ý đến các kĩ năng của thế kỷ 21, các vấn đề liên quan văn hóa và đa văn hóa. Tôi đã thấy rằng các dự án giải quyết tốt những điều này và hơn thế nữa. Tôi đã cố gắng để mang đến cho học sinh cơ hội sáng tạo và khám phá tiềm năng và những mong muốn của chúng. Thật thú vị khi thấy điều này đạt được hiệu quả. Những thực tế cho việc này thì sao?

Giai đoạn 1: Dự án thiết kế thực đơn


Trong dự án này, học sinh đóng vai trò một chủ nhà hàng, đang cần phát triển và tạo ra một thực đơn cho nhà hàng của mình, được mở tại một trong những quốc gia nói ngôn ngữ mà giáo viên muốn hình thành ở người học. Thực đơn của chúng phải có ít nhất năm loại, và hai mươi lăm mặt hàng, tất cả các món ăn của nền văn hóa mà chúng ta đang dạy. Học sinh phải quyết định tên thích hợp, tạo địa chỉ, số điện thoại, trang web và tên tài khoản twitter, phù hợp với các ví dụ mà chúng tìm thấy trên mạng từ các nhà hàng ở quốc gia đó. Các mục menu phải được định giá bằng đơn vị tiền tệ, được chuyển đổi theo đúng cách của quốc gia đó. Các học sinh sau đó thực hiện một bài giới thiệu trong nhóm hoặc trước cả lớp. Học sinh sẽ đóng vai chủ nhà hàng, giới thiệu các món ăn ngon, các món đặc sản, v.v. Bài giới thiệu phải có ít nhất 15 câu, và có thể trình bày trực tiếp hoặc trên video. Tôi có một phiếu tự đánh giá cho thực đơn và một cho phần trình bày, và tôi đang tìm kiếm sự thông hiểu của học sinh trong giai đoạn 1 – giai đoạn mà ngôn ngữ được ghi nhớ kết hợp với các yếu tố có thật trong cuộc sống. Tôi thấy rằng học sinh học được rất nhiều về một quốc gia chúng lựa chọn, trong khi vẫn vui vẻ và sáng tạo!

Giai đoạn 2: Cuốn sách câu chuyện của trẻ


Giai đoạn này là giai đoạn tạo ngôn ngữ. Tiền đề ở đây là các học sinh sử dụng các công thức mà chúng đã học tốt ở giai đoạn một, và kết hợp chúng lại với nhau thành các câu theo cách riêng của chúng. Những câu văn này khi đọc lên thì không còn là những ghi nhớ đơn giản như ban đầu mà đã thể hiện yếu tố cá nhân, tự định hướng của những suy nghĩ và ý tưởng. Các câu thường phức tạp, nhưng không chứa mệnh đề phụ thuộc loại yêu cầu các dạng động từ chuyên dùng. Chúng cũng không nhất thiết phải được xâu chuỗi lại với nhau theo một trật tự cụ thể nào đó để có lý – nếu chúng ta sắp xếp lại các câu, thì chúng sẽ mang ý nghĩa nhiều hơn trong trật tự mới. Nói cách khác, giai đoạn này tập trung vào việc lập được các câu văn không tập trung vào trình tự văn bản.

Tôi đã phát triển dự án Story Book để đo lường hiệu quả của giai đoạn 2, học sinh tạo ra một số các nhân vật sống ở một trong những quốc gia có ngôn ngữ mà con đang học. Học sinh viết câu chuyện như thể nhân vật chính đã mô tả cuộc sống của mình. Sau đó, các em mô tả một sự kiện lớn xảy ra trong cuộc đời của nhân vật, chẳng hạn như ngày đầu tiên đi học của mình, và sau đó là những điều đã xảy ra trong ngày đó. Chúng cần phải nghiên cứu cuộc sống của đứa trẻ trong một bối cảnh văn hóa, tạo ra một tình huống trực quan, phong phú cho bối cảnh của câu chuyện. Tôi thường yêu cầu học sinh viết khoảng 5 câu cho mỗi trang và tổng cộng khoảng mười trang. Chúng làm bản thảo và chỉnh sửa theo nhóm. Tôi cũng nhìn vào các bản thảo đó để đưa ra các phản hồi về những điều các con đã làm tốt và những gợi ý chỉnh sửa cho từng học sinh.

Khi học sinh viết câu chuyện, chúng không thể không so sánh cuộc sống của chúng với những nhân vật mà chúng đã tạo ra. Mô hình so sánh và tương phản tạo ra một ngữ cảnh tốt cho việc tạo lập ngôn ngữ. Nó cũng cho phép học sinh cố gắng hiểu biết về cách tường thuật trong các khung thời gian, và chứng minh rằng chúng biết cách sử dụng các quy tắc chia động từ, các thì, các cấu trúc diễn đạt,… Chúng ta thường thấy học sinh đạt được mức độ thành thạo khi chúng sử dụng các dạng động từ khác nhau, có thể làm cho các cấu trúc câu phù hợp, ngay cả khi các dạng động từ không phải lúc nào cũng chính xác. Thành thật mà nói, tôi cho rằng học sinh đã rất tuyệt vời! Khi tôi tập trung vào sự trôi chảy, chứ không phải các quy tắc ngữ pháp, tôi thấy học sinh rất tiến bộ trong việc sử dụng đa ngôn ngữ. Theo thời gian, chúng sẽ hoàn thiện việc sử dụng các dạng động từ, nhưng trong khi chờ đợi, chúng rõ ràng có thể giao tiếp ở mức lưu loát cao hơn ngay cả khi độ chính xác chưa cao.

Giai đoạn 3: Dự án sách ABC


Trong giai đoạn 3, loại văn bản mà tôi đang hướng đến là lập đoạn văn có cấu trúc, tức là, đoạn văn, trong đó có một câu chủ đề, được hỗ trợ bởi các câu giải thích và bình luận, và một câu kết luận để tổng hợp các ý tưởng quan trọng. Điều này đòi hỏi học sinh phải biết cách tạo các câu phức tạp, sử dụng các mệnh đề chính và cấp dưới, yêu cầu các  loại câu phụ, hoặc “if / then”, đòi hỏi các câu điều kiện, trong số các ngôn ngữ khác (các ngôn ngữ khác có thể yêu cầu kiến ​​thức về các mô hình khác). Tôi đã thực hiện dự án này trong suốt một học kỳ, chia nhỏ nó thành từng phần nhỏ hơn theo thời gian. Chúng tôi nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa địa phương: truyện ngắn, thơ, lời bài hát, văn bản lịch sử, sự kiện hiện tại… Học sinh làm các dự án nhỏ hơn trong quá trình học, nhưng ở mỗi chủ đề học sinh phải viết một trang về sự lựa chọn của chúng như báo cáo kết quả. Tôi yêu cầu học sinh viết 20 trang, một trang là một trong  20 chữ cái của bảng chữ cái, và học sinh được lựa chọn. Dưới đây là ví dụ một trang bằng tiếng Anh:

Q là viết tắt của Québec City (câu tiêu đề). Québec là thành phố thủ phủ của tỉnh Quebec, tọa lạc trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Saint Lawrence (câu chủ đề). Dường như với tôi rằng người dân Québec có nhiều thứ mà họ có thể tự hào (chi tiết). Họ đầu tư một cách khá thông minh trong việc duy trì di tích lịch sử của họ, bởi vì nó bảo tồn sự đa dạng của di sản lịch sử của họ (bình luận). Nếu tôi đến thăm Québec, tôi muốn xem Saint Lawrence từ Terasse Dufferein để tôi có thể thưởng thức cảnh đẹp của dòng sông và của Ile d’Orléans (bình luận). Nếu tôi đến Québec vào mùa đông, tôi sẽ đi trong Carnaval để tôi có thể tham gia vào nhiều hoạt động (bình luận). Điều thú vị là giọng địa phương  ở Québec khác hơn ở Pháp. (bình luận). Nếu tôi đến Québec, tôi sẽ thực hành nói tiếng Pháp với người dân địa phương và hy vọng rằng có thể hiểu được giọng của họ mà không có bất kỳ vấn đề gì (kết luận). “

Chúng ta thấy số lượng công việc cho một trang mà học sinh phải làm là hợp lý. Tôi cũng cung cấp một mẫu trang giấy cho học sinh để chúng không viết quá dài dòng hoặc quá ngắn. Tôi yêu cầu chúng làm bản nháp ở mỗi trang. Khi học sinh bản nháp, tôi đánh dấu nội dung chính xác và trả lại cho chúng. Cứ như vậy học sinh có thể tiếp tục nộp lại các trang đã chỉnh sửa cho đến khi chúng hoàn thành công việc. Bằng cách này, tôi đã cải thiện việc đưa phản hồi cho học sinh và giúp học sinh tập trung vào các chi tiết mà chúng đã vô tình bỏ qua. Dự án này rất thú vị, tôi thấy rằng vào cuối học kỳ, học sinh của tôi đã nắm vững các câu phức tạp và phân đoạn khá tốt.

Các ý tưởng và kế hoạch trong tương lai

Năm tới, tôi dự định tăng cường phương pháp tiếp cận dựa trên dự án của mình bằng cách kết nối các lớp học của tôi với các lớp học ở 3 nước nói tiếng Pháp – Pháp, Canada và Sénégal. Tôi muốn các học sinh cộng tác với các bạn trên khắp thế giới bằng cách viết những câu chuyện mà chúng sẽ đăng trên trang web để bạn bè đọc và nhận xét và tham gia vào các cuộc trò chuyện về những nội dung của câu chuyện. Tôi dự định để các học sinh khám phá nhiều thể loại, bao gồm truyện tranh, truyện ngắn và thơ, và các loại văn bản khác… tùy theo sở thích của người học. Nhiều ứng dụng web 2.0 hiện có sẵn sẽ là công cụ hiệu quả giúp học sinh viết và tạo ra những câu chuyện của riêng mình. Tôi hy vọng dự án sẽ mang đến nhiều cơ hội cho nhiều học sinh có thể tham gia, sáng tạo, giải quyết vấn đề và hợp tác.

Trích Nội san Giáo viên hiệu quả tháng 12 2018

Lê Hải Thanh dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.