Làm thế nào để giáo viên không phát điên với việc quản lý bài tập về nhà

Tôi nhìn chằm chằm một cách kinh ngạc và thất vọng vào tờ giấy đánh máy bị gập đôi với 10 câu trả lời ngẫu nhiên được vẽ trên đó. Đó chính là bài tập về nhà của "Greg". Nhưng ít nhất thì Greg đã viết cái gì đó, nhiều hơn những gì mà khoảng một nửa lớp đã làm. Một cách nghiêm túc mà nói, em cũng nên thể hiện rằng mình đã cố gắng.

0 1.198

Tôi nhìn chằm chằm một cách kinh ngạc và thất vọng vào tờ giấy đánh máy bị gập đôi với 10 câu trả lời ngẫu nhiên được vẽ trên đó. Đó chính là bài tập về nhà của “Greg”. Nhưng ít nhất thì Greg đã viết cái gì đó, nhiều hơn những gì mà khoảng một nửa lớp đã làm. Một cách nghiêm túc mà nói, em cũng nên thể hiện rằng mình đã cố gắng.

Tôi đã đi dạy môn Đại số được 4 tháng và nhận thấy rõ ràng là tôi phải thay đổi một điều gì đó. Tôi cần một phương pháp tốt hơn để không chỉ buộc học sinh phải có trách nhiệm trong các bài tập về nhà mà còn đảm bảo rằng học sinh học tập nghiêm túc.

Bạn có cảm thấy câu này rất quen không?

Sự thất vọng khi đọc bài tập về nhà của học sinh đủ khiến giáo viên muốn nghỉ hưu sớm hoặc ít nhất cũng khiến bạn muốn hét vào gối trong một giờ đồng hồ. Tuy nhiên, trước khi chạy về nhà úp mặt vào gối, hãy hít một hơi thật sâu và đọc một số gợi ý sau đây vì chúng có thể làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn một chút.

Buộc học sinh phải có trách nhiệm với bài tập về nhà

  1. Chỉ giao những bài tập về nhà có giá trị. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng đôi khi chúng ta cho bài tập về nhà chỉ vì cảm thấy nên làm hoặc vì bài đó có trong chương trình giảng dạy. Làm thế là lãng phí thời gian của học sinh và tệ nhất, là của gia đình họ. Không giao những bài tập về nhà kiểu vô thưởng vô phạt. (Tôi đã viết rõ về điều này trong cuốn sách “Lớp học mơ ước” và bài báo “Tại sao bạn nên cho ít bài tập về nhà hơn“.)
  2. Chất lượng hơn là số lượng. Khi giao bài tập về nhà, giao ít hơn và kì vọng rằng học sinh sẽ làm tốt nhất trong khả năng của họ. Ở môn Toán, rất nhiều giáo viên giao cho học sinh những phiếu bài tập kín đặc 20-30 bài mà không biết rằng học sinh và bố mẹ của họ phải mất bao lâu để hoàn thành chúng. Tôi chỉ chọn 6-7 vấn đề cho mỗi phiếu bài tập. Mục tiêu của tôi là giao ít vấn đề mà vẫn cung cấp đủ bài tập thực hành mà họ cần. Tôi nghĩ rằng 6-7 vấn đề là hoàn hảo. Sau đó tôi tập trung vào chất lượng – tôi mong rằng học sinh thực sự cố gắng hết sức ở từng vấn đề – có lẽ tôi không thể kì vọng gì nếu bắt họ giải quyết 30 vấn đề.
  3. Yêu cầu nộp bài tập về nhà đúng hạn. Rõ ràng nhà trường có nội quy xử lí việc nộp bài tập muộn nhưng nếu có thể, bạn hãy sử dụng một số hình thức phạt khác khi học sinh không hoàn thành bài đúng hạn. Hai hình phạt hợp lý nhất là cho học sinh điểm trừ khi làm bài tập tiếp theo và / hoặc cho học sinh hoàn thành nốt bài tập vào giờ ra chơi. Điều quan trọng nhất là bạn phải khiến họ chịu trách nhiệm về bài tập của mình theo cách nào đó và học cách quản lý thời gian. Điều đó không chỉ tạo nên thành công trong học tập mà còn trong cuộc sống.

Nếu bạn gặp những vấn đề lớn kiểu như một nửa lớp không làm bài tập về nhà (như tôi đã gặp phải), hãy trao đổi với ban giám hiệu về việc thiết lập một quy trình trong toàn trường. Hoặc, nếu bạn dạy cấp Hai, hãy hợp tác với các giáo viên khác của lớp để đưa ra một quy trình nhất quán, trong đó, giáo viên nào cũng có thể sử dụng để khuyến khích và tạo động lực cho học sinh hoàn thành bài tập đúng hạn. Nghiêm túc mà nói, đây là một sự thay đổi lớn.

  1. Chấm bài tập về nhà. Nhiều giáo viên ủng hộ việc không chấm bài tập về nhà nhưng tôi thì đã thử và thất bại. Chất lượng học tập ngày một đi xuống bởi vì học sinh biết tôi không chấm điểm. Nếu bạn cũng đang phải đối mặt với vấn đề đó, có lẽ đã đến lúc phải chấm điểm. Hãy đọc tiếp các ý tưởng dưới đây để xem làm thế nào có thể khắc phục tình trạng này một cách nhanh chóng và công bằng.
  2. Tuyên dương những học sinh làm bài chính xác và nỗ lực. Trong khi chúng ta cần phải giao bài tập về nhà để buộc học sinh có trách nhiệm với sự học của họ, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng bài tập về nhà là sự luyện tập và không tránh khỏi sai lầm. Sẽ là không công bằng nếu cho học sinh điểm D khi họ làm sai hơn 2/6 bài. Vậy ta phải làm gì? Hãy tạo một phiếu tự đánh giá đơn giản trong đó có cả tiêu chí về mức độ chính xác mức độ hoàn thành.
  3. Sử dụng hình thức chấm chéo. Nếu trường bạn cho phép, việc làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian. Nếu bạn lo lắng rằng học sinh sẽ cảm thấy xấu hổ, hãy nói với học sinh rằng bài tập về nhà chỉ là một quá trình luyện tập – mắc sai lầm – tự rút kinh nghiệm. Vì vậy, không cần phải xấu hổ về chúng. Để tránh mất thời gian, hãy đọc nhanh câu trả lời và không đưa ra các câu hỏi phân loại. Thay vào đó, cho học sinh đặt dấu hỏi bên cạnh bất cứ câu nào mà họ không chắc là đúng hay sai. Nếu học sinh bỏ qua bất kỳ câu nào, họ cũng nên ghi chú ở đầu trang. Quá trình này mất 2-3 phút.
  4. Đảo qua bài tập ở trên lớp. Bài tập về nhà là để học sinh luyện tập hoặc chuẩn bị cho bài học tiếp theo. Vì vậy, họ cần phản hồi ngay lập tức về những điều họ không hiểu. Thay vì đi tự mình đảo qua mọi kiến thức, hãy để học sinh đặt câu hỏi hoặc viết vấn đề lên bảng rồi trình bày trước lớp. Việc này không chỉ bồi dưỡng kĩ năng học tập và giao tiếp của học sinh mà còn tốn ít thời gian hơn là bạn ôn cho học sinh từng vấn đề một.
  5. Yêu cầu học sinh làm lại bài nếu cần. Tôi đã từng không hài lòng khi học sinh không tuân thủ đúng các quy trình (như sử dụng bút chì, sử dụng đúng loại giấy, v.v …) nhưng tôi nhận ra sẽ hiệu quả hơn (và có lẽ cũng công bằng hơn) nếu yêu cầu học sinh làm lại bài. Vì vậy, nếu một học sinh sử dụng bút bi thay vì bút chì, tôi vẫn cho điểm bài của họ nhưng yêu cầu họ làm lại nó bằng bút chì.
  6. Yêu cầu học sinh hoàn thành nốt bài tập còn dang dở. Khi học sinh làm thiếu bài, bạn chỉ cần chấm một con 0 vào bảng điểm, thế là xong. Nhưng việc đó có ý nghĩa gì? Có hai tình huống xảy ra: 1) học sinh không bao giờ được thực hành /tạo dựng kỹ năng và 2) học sinh không bao giờ làm bài tập. Thay vào đó, nếu bạn yêu cầu họ hoàn thành nốt bài tập, ngay cả khi đã muộn, bạn sẽ giúp phát triển nhân cách của họ thông qua việc dạy họ rằng công việc sẽ giậm chân tại chỗ nếu không làm xong bài tập.
  7. Có một hệ thống theo dõi việc làm thiếu bài. Phải theo dõi tất cả các trường hợp nộp muộn và làm thiếu bài có thể là quá sức đối với bạn. Nhưng nếu bạn phát triển một hệ thống hợp lý, nhiệm vụ sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Mỗi lớp tôi lập một biểu mẫu và chỉ cần ghi lại tên học sinh kèm với tên bài tập họ làm thiếu. Tôi để riêng một cột ghi Nộp muộn / Làm lại và một cột ghi Thiếu bài. Cái hay nhất của hệ thống này là tôi cần photo, đánh dấu tên học sinh làm thiếu bài và gửi cho họ. Đó là một phương thức nhanh chóng và dễ dàng để nhắc nhở học sinh về những gì họ nợ tôi.
  8. Cân nhắc việc trao quyền chủ động cho học sinh. Yêu cầu học sinh xem video tại nhà và tự làm bài tập, sau đó thực hành hoặc làm việc nhóm trên lớp vào buổi sau. Bạn vẫn phải yêu cầu học sinh có trách nhiệm với bài tập bằng cách cho họ ghi chép hoặc trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, nhiều em sẽ cảm thấy việc xem một video dài 20 phút dễ hơn là đánh vật với một loạt các bài toán giống như tiếng Hy Lạp đối với các em. Sau đó, bạn có thể hỗ trợ họ khi lên lớp.

Và, trên hết, đừng bỏ rơi học trò của bạn. Kì vọng những điều lớn lao ở học sinh (vâng, tất cả họ) và dạy họ có tinh thần trách nhiệm.

Một ngày nào đó, vâng, một ngày vinh quang, bạn sẽ thấy (giống như tôi đã từng) những tờ giấy nhăn nhúm, bị gập đôi với 10 câu trả lời tùy tiện cuối cùng đã đi vào dĩ vãng!

Theo: teach4theheart.com

Đặng Thanh Hiền dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.