Làm chủ các hoạt động chuyển tiếp trong quản lý lớp học

Di chuyển học sinh vào và ra khỏi lớp và giữa các hoạt động một cách suôn sẻ để tiết kiệm thời gian giảng dạy quý báu là điều không hề dễ dàng đối với giáo viên.

0 209

Trong một tiết dạy, có người dự giờ, những học sinh trong lớp của tôi nhất định không chịu di chuyển bàn ghế của chúng để tạo thành các nhóm nhỏ như tôi hướng dẫn. Một cách lịch sự, các giáo viên dự giờ đã quay đi chỗ khác giả vờ không nhìn thất.

Sự thất bại trong hoạt động chuyển tiếp này không những làm mất thời gian của tiết học mà còn làm tôi cảm thấy bất lực trước học sinh và thấy mình là kẻ thất bại trước mặt đồng nghiệp. Hãy tưởng tượng, nếu bạn tiết kiệm được 15 phút mỗi ngày thông qua các hoạt động chuyển tiếp linh hoạt và hiệu quả hơn, có nghĩa là bạn sẽ có thêm 45 giờ để giảng dạy mỗi năm. Do đó, việc chuyển tiếp học sinh từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác một cách hiệu quả là điều đáng để đầu tư thời gian và công sức.

Về cơ bản có ba dạng hoạt động chuyển tiếp trong lớp học: vào lớp và ngồi vào chỗ, chuyển từ hoạt động học tập này sang hoạt động học tập khác và ra khỏi lớp. Và giống như bất kỳ quy trình nào của việc quản lý lớp học, các hoạt động chuyển tiếp chỉ được hình thành qua việc hướng dẫn cụ thể, làm mẫu rõ ràng, luyện tập và điều chỉnh.

Cho dù học sinh đang chuyển từ tiết tập đọc sang tiết toán hay từ giờ thể dục sang giờ nghỉ giải lao uống nước, tác giả Mike Linsin khuyên bạn nên chuẩn hóa quy trình cho hoạt động chuyển tiếp với 5 bước cơ bản sau:

  1. Thu hút sự tập trung, chú ý của học sinh:“Tập trung vào đây.”
  2. Giải thích quy trình:“Bây giờ, hãy quay trở lại chỗ ngồi và lấy sách giáo khoa lịch sử ra.”
  3. Chuẩn bị cho học sinh các tín hiệu bắt đầu:“Khi tôi nói “di chuyển” các em sẽ thực hiện nhiệm vụ một cách trật tự.”
  4. Bắt đầu hoạt động chuyển tiếp:“Hãy nói…di chuyển”, để học sinh thực hiện nhiệm vụ. Lưu ý, cần hạn chế tính cạnh tranh, thi đua trong trường hợp này.
  5. Quan sát:Theo dõi và đảm bảo tất cả học sinh đều thực hiện nhiệm vụ đúng cách.

XỬ LÝ CÁC SỰ CỐ

Khi quá trình chuyển tiếp diễn ra quá lâu hoặc học sinh có các hành vi không đúng mực, đã đến lúc bạn cần trở thành thám tử Sherlock Holmes theo nghĩa bóng và suy nghĩ về những câu hỏi này:

  • Tôi đã cung cấp quá nhiều hoặc quá ít hướng dẫn?
  • Quá trình chuyển tiếp có khiến học sinh mất tập trung khi chúng mải mê tham gia một hoạt động không?
  • Có quá nhiều học sinh không có việc gì để làm không?
  • Có những học sinh nào đang cố tinh tạo nên sự hỗn loạn?

Sau khi trả lời những câu hỏi đó, hãy thử một số kỹ thuật dưới đây.

Khi hoạt động chuyển tiếp kéo quá dài: Để chống lại việc học sinh trì hoãn, chậm chạp, hãy thông báo số giây còn lại trước khi hoạt động tiếp theo bắt đầu. Nhiều giáo viên sử dụng đồng hồ bấm giờ và yêu cầu học sinh hoàn thành trước khi thời gian kết thúc. Ngoài ra, bạn cũng có thể chậm rãi đếm ngược “5… 4… 3… 2… 1… hết giờ” bằng một giọng to, rõ, và không có cảm xúc. Chắc chắn, học sinh sẽ phải tăng tốc quá trình di chuyển.

Khi học sinh không tuân thủ các quy trình: Đây là một tình huống trên thực tế: Việc cho học sinh xếp hàng vào cuối ngày là một vấn đề khó khăn đối với một giáo viên lớp năm. Lớp học của cô giáo đó thường xuyên xảy ra đánh nhau, xô đẩy, mất trật tự. Hiệu phó đã nhắc nhở về cách quản lý học sinh của cô khiến cho các chuyến xe buýt lúc nào cũng bị chậm. Sau đó, cô giáo đã đưa ra một giải pháp, cô ấy dán các chấm đen trên sàn cách nhau 1 mét để học sinh đứng lên đó và có thêm thời gian để thu dọn đồ đạc. Sau một vài buổi thực hành, các vấn đề trên dần được cải thiện.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc giáo viên đưa ra các nhắc nhở và điều chỉnh trước giúp giảm các vấn đề về hành vi trong quá trình chuyển tiếp. Ngay trước khi chuyển tiếp, hãy yêu cầu một học sinh mô tả tiến các bước để vào lớp sau giờ ra chơi. Hoặc chơi trò “sửa lỗi cho giáo viên” bằng cách thực hiện các bước sai quy trình để học sinh chỉ ra các lỗi sai đó. Sau đó kêu mời học sinh sửa lại và làm mẫu quy trình chính xác.

Một cách khác mà giáo viên có thể thực hiện là mô tả, phân tích các quy trình tại thời điểm học sinh thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, khi một học sinh đang rửa tay, giáo viên đồng thời nói với cả lớp: “Hãy xem cách Minh Anh rửa tay. Đầu tiên, bạn ấy xoay tay cầm một chút. Bạn ấy cần gì tiếp theo? Đúng vậy, bạn cần lấy xà phòng! Bạn ấy xịt một lượng vừa đủ vào lòng bàn tay. Bây giờ bạn ấy đã rửa sạch xà phòng và sử dụng khăn giấy để lau khô. Bạn ấy cần mấy tờ khăn giấy? Hãy cùng nói to lên nào: một, hai, vậy là đủ!”

Cuối cùng, một chiến lược hiệu quả để dạy các bước hoạt động chuyển tiếp là hướng dẫn cả lớp bắt đầu lại từ đầu. Để làm được điều này, bạn cần dự trù thêm thời gian trong hai tuần đầu tiên của lớp học và hãy bình tĩnh, kiên nhẫn cho đến khi tất cả học sinh đều thực hiện đúng.

Khi học sinh không muốn dừng lại công việc đang làm: Bạn đã bao giờ thấy một học sinh khóc khi giáo viên thông báo đã đến giờ đi ngủ chưa? Nhiều khả năng là học sinh đó vẫn còn đang thích chơi hoặc làm điều gì đó mà con đang làm dở. Trong lớp học, nhiều học sinh sẽ có cảm xúc như núi lửa phun trào khi bị yêu cầu ngừng thực hiện một hoạt động mà chúng đang thích. Tuy nhiên, hãy dùng đồng hồ đếm ngược, chẳng hạn như E.ggtimer.com, Online-Stopwatch.com hoặc Timer-Tab.com—khi kết hợp tín hiệu thời gian và lời nói, học sinh sẽ có thêm thời gian và chuyển đổi trạng thái hiệu quả hơn.

Khi học sinh bị phân tâm: Trong một bài báo về các hoạt động chuyển tiếp trong giờ học, Sarah E. Mathews trích dẫn một nghiên cứu năm 2007 cho thấy “học sinh tỏ ra hào hứng tham gia vào nhiều hoạt động thường ngày nếu các hoạt động đó được ghép với các giai điệu của bài hát”. Hãy lựa chọn các bài hát phù hợp và cho học sinh hát vang bài hát đó lên mỗi khi thực hiện các nhiệm vụ như: cất sách vở, dọn dẹp đồ chơi, ra sân thể dục hay di chuyển xuống nhà ăn,…

Để học sinh chịu trách nhiệm trong các hoạt động chuyển tiếp: Có những hoạt động chuyển tiếp không nhất thiết phải liên quan đến toàn bộ lớp học. Xem cách học sinh lớp trong một lớp học sử dụng các tín hiệu bằng tay: Giơ một ngón tay yêu cầu trợ giúp của giáo viên, giơ hai ngón tay yêu cầu đi vệ sinh hoặc ra ngoài và giơ ba ngón tay cho biết bút chì cần gọt. Những hoạt động này, giúp học sinh có cơ hội thể hiện được nhu cầu cá nhân, nhưng vẫn không hề làm ảnh hưởng đến lớp học.

Nghiên cứu cho thấy rằng các hoạt động chuyển tiếp thành công diễn ra nhanh chóng và có khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Việc đáp ứng được những yêu cầu đó sẽ tiết kiệm tối đa thời gian dành cho học tập. Tuy nhiên, vấn đề của giáo viên thường là bỏ qua những điều nhỏ bé trong các quy trình chuyển tiếp. Cho đến khi, các vấn đề này thực sự trở thành một rắc rối ảnh hưởng đến quá trình học tập và phá vỡ nền văn hóa tích cực của lớp học.

Táo Giáo Dục

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.