Dạy học phát triển năng lực: Hướng dẫn của giáo viên trước khi học sinh thực hiện nhiệm vụ (mini lessons)
Trong mô hình dạy học phát triển năng lực, điều quan trọng không phải là việc ghi nhớ kiến thức mà khả năng làm chủ các kĩ năng/năng lực. Muốn có được điều đó, học sinh phải đổi từ việc nghe – ghi – học thuộc/làm bài tập sang việc Đọc/nghe hướng dẫn – thực hành/trải nghiệm – suy ngẫm – thực hành củng cố.
Nếu như trong mô hình dạy học truyền thống, chúng ta thấy người giáo viên say sưa nói, miệt mài nói, mê mải nói… nói, nói và nói… Vì sao ư? Không nói thì ai cũng biết, nếu không nói thì học sinh sẽ không tiếp thu được kiến thức, sẽ không hiểu được nội dung của bài và đương nhiên sẽ không thể đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. Đó là những bài học dưới mô hình thuyết giảng, lấy giáo viên làm trung tâm, hay đúng hơn là nội dung kiến thức làm trung tâm.
Trong mô hình dạy học phát triển năng lực, điều quan trọng không phải là việc ghi nhớ kiến thức mà khả năng làm chủ các kĩ năng/năng lực. Muốn có được điều đó, học sinh phải đổi từ việc nghe – ghi – học thuộc/làm bài tập sang việc Đọc/nghe hướng dẫn – thực hành/trải nghiệm – suy ngẫm – thực hành củng cố. Nhưng ai cũng hiểu một điều rằng, nói thì dễ, lý thuyết thì đơn giản, làm mới khó, thực hiện mới là vấn đề. Làm sao để có thể chuyển đổi được mô hình? Làm sao để học sinh có thể tự làm được khi mà kiến thức và yêu cầu thì quá nhiều, còn thời gian và trình độ của học sinh thì quá thấp?
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn giới thiêu một (chỉ là MỘT thôi nhé) giải pháp để chuyển đổi mô hình từ giảng bài sang việc tổ chức các hoạt động cho học sinh thực hiện. Đó là các MINI – LESSONS hay tạm gọi là các HƯỚNG DẪN NHANH của giáo viên.
Hướng dẫn nhanh (mini lessons) là cái gì?
Hướng dẫn nhanh là một bài học nhỏ hay một bài học ngắn với trọng tâm khá hẹp nhằm cung cấp hướng dẫn về một kỹ năng hoặc khái niệm mà sau đó học sinh sẽ sử dụng để liên hệ với một nội dung hoặc kĩ năng lớn hơn ở phần sau. Thường thì phần hướng dẫn nhanh thường diễn ra trước khi học sinh bắt đầu hoạt động đọc hoặc viết. Các hướng dẫn nhanh có thể được sử dụng để dạy các kỹ năng cụ thể, xây dựng kiến thức nền tảng, tạo hứng thú với một chủ đề và chuẩn bị cho việc dạy một kĩ năng/năng lực đặc thù của bộ môn. Nó cũng có thể dùng để giới thiệu các nội dung kiến thức/thuật ngữ, khái niệm trong các môn Lịch sử, Địa Lý, Khoa học hoặc Toán học.
Tại sao phần hướng dẫn nhanh lại quan trọng?
Hướng dẫn nhanh hay các bài học nhỏ cho phép giáo viên truyền đạt các chiến lược, cách làm cho học sinh để chúng sử dụng làm nền tảng cho quá trình hợp tác hoặc làm việc độc lập. Chia sẻ các mẹo và chiến lược theo cách này giúp học sinh có được các kỹ năng phù hợp một cách thường xuyên mà không mất quá nhiều thời gian. Thời gian còn lại sẽ được dùng để tập trung vào phần thực hành, suy ngẫm và củng cố.
Nhanh là bao lâu?
Hướng dẫn nhanh đóng vai trò dẫn dắt một bài học lớn hơn về bất kỳ lĩnh vực nào. Nó có thể ngắn khoảng 5 phút hoặc dài nhất là 15 phút.
Nó có hình thù như thế nào?
Về hình thức, các hướng dẫn này có thể được dạy cho cả lớp, một nhóm nhỏ được chọn hoặc cá nhân học sinh.
Về nội dung, hướng dẫn này khá ngắn gọn và tập trung vào một chiến lược, kỹ năng hoặc khái niệm. Giáo viên giới thiệu chủ đề; thể hiện chiến lược, kỹ năng hoặc khái niệm; hướng dẫn học sinh thực hành; thảo luận về chủ đề; làm mẫu; và tái hiện/kích hoạt kiến thức nền tảng. Vào cuối phần hướng dẫn nhanh/bài học nhỏ, giáo viên nên đưa ra định hướng cho hoạt động tiếp theo, các kĩ năng cần tập trung, hoặc các bài tập độc lập.
Thực hiện nó như thế nào?
Ý tưởng cho các phần hướng dẫn nhanh/bài học nhỏ là ngay trong lớp học của bạn. Học sinh của bạn đang gặp khó khăn gì? Những lỗi nào xuất hiện lặp đi lặp lại trong quá trình học sinh thực hiện nhiệm vụ? Hãy nhận những lỗi đó và đưa nó vào phần hướng dẫn nhanh. Dưới đây là một số gợi ý cho phần hướng dẫn nhanh của giáo viên:
– Giải thích các khái niệm, thuật ngữ mà 70% học sinh không hiểu khi đọc tài liệu.
– Chỉ ra các bước làm chi tiết cụ thể để 80% học sinh có thể hoàn thành được một cách độc lập.
– Làm mẫu/mô phỏng các bước làm, các cách diễn đạt để học sinh sử dụng trong quá trình thực hiện.
– Hướng dẫn các kĩ năng/ chiến lược (cách làm) để học sinh áp dụng và tự thực hiện nhiệm vụ.
– Mô tả rõ những kỳ vọng về sản phẩm, những tiêu chí đánh giá cụ thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
– Cảnh báo, mô tả, chỉ rõ những lỗi sai phổ biến trong quá trình tư duy và thực hiện hoạt động.
– Giáo viên tái hiện lại quá trình tư duy, giải quyết vấn đề của bản thân sau đó chia sẻ bằng cách NÓI LẠI quá trình đó để học sinh có thể làm theo.
– Kích hoạt các kiến thức nền tảng, các kĩ năng cần thiết để học sinh sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ.
Làm thế nào biết rằng bạn đã hướng dẫn thành công?
Một phần hướng dẫn nhanh thành công là một phần hướng dẫn chạm đúng cái khó của học sinh, khơi thông dòng nước đang bị tắc nghẽn, gợi mở sự thông thoáng của tư duy, truyền cảm hứng và thúc đẩy người học tiến lên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để đo lường mức độ thành công của bài học nhỏ, hãy xem bài làm của học sinh để xem liệu nó có bị ảnh hưởng bởi các chủ đề được đề cập trong phần hướng dẫn nhanh hay không. Ví dụ, học sinh có tránh được các lỗi sai chính tả phổ biến, có sử dụng chính xác thường xuyên các thuật ngữ hơn không.
Tham khảo bộ tài liệu: Hoạt động dạy học Phát triển năng lực – Lý thuyết và các bước thực hiện để có hình dung chi tiết về cách sử dụng phần Hướng dẫn nhanh trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học.
Táo Giáo Dục