Trí tuệ cảm xúc là gì? tại sao bạn lại cần nó?
Những người có chỉ số IQ trung bình hoàn thành công việc tốt hơn những người có chỉ số thông minh cao đến 70%. Sự bất thường này làm rung động dư luận, buộc những người tin rằng chỉ số thông minh là nhân tố quyết định thành công phải suy nghĩ lại. Các nghiên cứu trong hàng thập kỷ vừa qua đã chỉ ra trí thông minh cảm xúc mới là nhân tố then chốt.
Cụm từ trí thông minh cảm xúc xuất hiện lần đầu tiên như một mắt xích quan trọng trong một kết quả nghiên cứu: những người có chỉ số IQ trung bình hoàn thành công việc tốt hơn những người có chỉ số thông minh cao đến 70%. Sự bất thường này làm rung động dư luận, buộc những người tin rằng chỉ số thông minh là nhân tố quyết định thành công phải suy nghĩ lại. Các nghiên cứu trong hàng thập kỷ vừa qua đã chỉ ra trí thông minh cảm xúc mới là nhân tố then chốt.
Trí thông minh cảm xúc là “cái gì đó” khá vô hình bên trong mỗi chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta kiểm soát hành vi, định hướng mang tính xã hội phức tạp, và ra quyết định cá nhân để đạt được kết quả khả quan. Trí thông minh cảm xúc được hội tụ lại bởi 4 kỹ năng cốt lõi gắn liền với 2 nhóm năng lực cơ bản là năng lực cá nhân và năng lực xã hội.
Năng lực cá nhân bao gồm tự nhận thức và làm chủ bản thân, đây là những khả năng tập trung chủ yếu vào cá nhân bạn hơn là những tương tác giữa cá nhân với người khác. Năng lực cá nhân là khả năng nhận diện cảm xúc của mình và kiểm soát hành vi, ý định của mình.
– Tự nhận thức là khả năng bạn tiếp nhận một cách chính xác về cảm xúc của mình và hiểu rõ cảm xúc đó ngay khi nó xảy ra.
– Làm chủ bản thân là khả năng vận dụng nhận thức về cảm xúc của chính bạn để luôn linh hoạt và chỉ đạo hành vi đúng đắn.
Năng lực xã hội được hình thành từ kỹ năng nhận thức xã hội và quản lý các mối quan hệ; Là khả năng thấu hiểu cảm xúc, hành vi và động cơ của người khác để làm quyết định phản hồi và quản trị hiệu quả các mối quan hệ.
– Nhận thức xã hội là khả năng nhận biết chính xác những cảm xúc của người khác và thấu hiểu điều gì đang thực sự diễn ra.
– Quản lý các mối quan hệ chính là khả năng vận dụng nhận thức về cảm xúc của mình và của người khác để kiểm soát các tương tác một cách hiệu quả.
Trí thông minh cảm xúc, IQ và tính cách
Trí thông minh cảm xúc đóng vai trò như một yếu tố quan trọng trong hành vi con người, vốn dĩ là khác biệt so với trí tuệ. Hiện nay chưa tìm ra được bất kỳ mối liên hệ nào giữa chỉ số thông minh IQ và chỉ số cảm xúc EQ; đơn giản là bạn không thể dự đoán được EQ của một người dựa vào mức độ thông minh của người đó. Trí thông minh là khả năng học tập của bạn, và nó giống nhau ở tuổi 15 cũng như ở tuổi 50. Còn trí tuệ cảm xúc là một nhóm kỹ năng linh hoạt có thể tiếp thu và nâng cao thông qua tập luyện. Dù trên thực tế một số cá nhân đã có trí tuệ cảm xúc hơn người khác bẩm sinh, nhưng ngay cả khi sinh ra mà không có EQ thì bạn vẫn có thể cải thiện chỉ số này của mình.
Tính cách cá nhân là mảnh ghép cuối cùng của bức tranh. Đó chính là “kiểu mẫu” không đổi xác định mỗi chúng ta. Tính cách cá nhân là kết quả của thiên hướng mà bạn có, ví dụ như bạn sẽ có thiên hướng nội hay hướng ngoại. Tuy vậy, cũng giống như IQ, bạn không thể dựa vào tính cách để đoán mức độ thông minh cảm xúc. Tính cách ổn định suốt cuộc đời và không thay đổi. Đánh giá kết hợp giữa trí thông minh cảm xúc, IQ và tính cách chính là phương pháp tốt nhất để có được cái nhìn tổng quát về một người.
Tác động của trí thông minh cảm xúc
Trí thông minh cảm xúc tác động như thế nào đến thành công trong sự nghiệp của chúng ta? Câu trả lời ngắn gọn là: rất nhiều! Đó là cách hữu hiệu nhất để tập trung cao độ và gặt hái được kết quả to lớn. Talent Smart đã tiến hành khảo sát trí thông minh cảm xúc cùng với 33 thái độ làm việc quan trọng khác và phát hiện ra trí thông minh cảm xúc là yếu tố góp mặt trong đại đa số các hành vi dẫn đến sự thành công, nó quyết định 58% hiệu suất trong tất cả các loại hình công việc. Trí thông minh cảm xúc là nền tảng cho nhiều kỹ năng quan trọng – nó ảnh hưởng đến hầu hết những việc bạn nói và làm hàng ngày.
Trong số những người chúng tôi tiến hành khảo sát, đến 90% số người có hiệu suất cao trong công việc là những người có chỉ số trí thông minh cảm xúc cao. Ngược lại, chỉ có 20% người làm việc kém có chỉ số EQ cao mà thôi. Tất nhiên, bạn vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc mà không cần phải có chỉ số EQ cao, nhưng cơ hội này khá thấp.
Dĩ nhiên, những người có chỉ số EQ cao kiếm được nhiều tiền hơn — trung bình họ kiếm được nhiều hơn những người có chỉ số EQ thấp 29.000 đô một năm. Mối liên hệ giữa chỉ số trí thông minh cảm xúc và thu nhập là trực tiếp, cứ mỗi một điểm chỉ số EQ tăng lên sẽ tương đương với 1.300 đô thu nhập hàng năm. Phát hiện này đúng với tất cả mọi người, thuộc mọi ngành nghề, ở mọi vị trí, các khu vực trên thế giới. Chúng tôi chưa phát hiện thấy bất kỳ công việc nào mà hiệu suất làm việc cũng như mức thu nhập lại không liên quan chặt chẽ đến trí thông minh cảm xúc.
Tất cả sự giao tiếp giữa các cảm giác và não bộ là cơ sở vật chất của trí thông minh cảm xúc. Các tín hiệu này bắt đầu đi vào não bộ tại tủy sống. Các cảm giác đi vào não nhưng phải đi qua thùy trán, trước khi bạn có thể suy nghĩ hợp lý về những trải nghiệm này.
Vấn đề là ở chỗ, trước khi được thùy trán xử lý, chúng phải đi qua hệ viền (hệ Limbic) – nơi những cảm xúc được tạo ra. Quá trình này bảo đảm rằng bạn trải nghiệm các sự việc bằng cảm xúc trước khi lý trí có thể vào cuộc. Chính sự kết nối giữa phần cảm xúc và phần phân tích của não là cơ sở của trí thông minh cảm xúc.
Travis Bradberry– President, TalentSmart
Lê Hải Thanh dịch