NỘI SAN GIÁO VIÊN HIỆU QUẢ SỐ 29 – DẠY HỌC PHÂN HOÁ

0 1.120

Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó phải sống với niềm tin rằng, nó là kẻ ngu ngốc” (Albert Einstein).

Bản chất của giáo dục là gì? Phải chăng là hướng đến sự phát triển của mỗi cá nhân? Giúp con người tìm thấy giá trị của bản thân mình? Giáo dục giúp con  người tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc…? Tưởng chừng như đó là những điều căn cốt nhất mà mỗi trường học, mỗi lớp học và mỗi giáo viên luôn hướng đến. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, chúng ta vô hình chung đã biến giáo dục thành một mô hình khô cứng theo kiểu “một cỡ vừa cho tất cả”. Chúng ta dạy cùng một nội dung, theo một cách, kiểm tra theo cùng một kiểu và phân loại đánh giá theo cùng một thang. Điều này khiến cho công việc dạy học biến thành một ngành sản xuất theo những tiêu chuẩn nhất định.

Nhưng nếu chịu khó quan sát kĩ hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng trong một lớp học có bao nhiêu học sinh thì sẽ có bất nhiêu khuôn mặt, bấy nhiêu sở tích, tính cách, năng lực, trình độ và phong cách học tập. Thật không công bằng khi những học sinh có thiên hướng về nghệ thuật bị đánh giá là “không đạt” khi bài kiểm tra chỉ hướng đến đánh giá các môn Toán và tiếng Việt. Nhiều học sinh bị coi là hư, láo, ngỗ nghịch, bất trị khi chúng có cách học khác với cách mà giáo viên và người lớn mong muốn. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại về mục đích của giáo dục, cần xem lại về các phương pháp giảng dạy và chương trình học mà chúng ta đang áp dụng để có thể tạo nên sự công bằng giữa các học sinh.

Trong số Giáo viên Hiệu quả tháng 5/2020 này, chúng tôi muốn cùng các thầy cô tập trung vào chủ đề Dạy học phân hóa để có thể tìm ra “cách phân hóa học sinh trong lớp học”; “Một số cách thức tổ chức dạy học phân hóa”. Trong phần góc chia sẻ, thầy cô sẽ phân biệt được “sự khác nhau giữa các khái niệm: dạy học phân hóa và cá nhân hóa, cá biệt hóa” và nhận ra “Những sai lầm khi áp dụng thuyết đa trí tuệ của Gardner”. Cùng với đó đó, các bài viết về“10 chiến thuật và ví dụ về dạy học phân hóa” “Giới thiệu mẫu giáo án dạy học phân hóa” “Bộ ý tưởng và công cụ dạy học phân hóa” sẽ giúp chúng ta có những chiến thuật cụ thể để ứng dụng lý thuyết này trong lớp học.

Chúng ta cùng tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, khi chúng ta có sự điều chỉnh về nội dung, chương trình cùng với những cải thiện về điều kiện giảng dạy, những lý tưởng của mô hình dạy học phân hóa sẽ được áp dụng, để mỗi đứa trẻ đều được phát huy sở thích, thế mạnh của bản thân và tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc trong học tập.

Táo Giáo Dục

 

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.