KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT DÀNH CHO GIÁO VIÊN

Những khó khăn trong công việc của giáo viên bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Đó có thể là lời nói vô ý của một học sinh, hay một kết quả đánh giá trong tiết dự giờ chỉ ở mức trung bình, hoặc sự hợp tác với một đồng nghiệp không mấy suôn sẻ. Những khoảnh khắc đó khiến các giáo viên cảm thấy hoang mang, chán nản và mất động lực.

0 648

Những khó khăn trong công việc của giáo viên bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Đó có thể là lời nói vô ý của một học sinh, hay một kết quả đánh giá trong tiết dự giờ chỉ ở mức trung bình, hoặc sự hợp tác với một đồng nghiệp không mấy suôn sẻ. Những khoảnh khắc đó khiến các giáo viên cảm thấy hoang mang, chán nản và mất động lực.
Trong quá trình giảng dạy, tôi đã nhận ra rằng, để có thể học cách chấp nhận, tôi cần các chiến lược để đương đầu với những vấn đề như thế này. Các kĩ năng giải quyết xung đột là chìa khóa cho mỗi giáo viên như tôi.

HOA HỒNG VÀ GAI

Khi sự căng thẳng tăng lên trong lớp học – cho dù nó xuất phát từ một cuộc xung đột giữa các học sinh hoặc những hiểu lầm giữa giáo viên và lớp học, tôi đã sử dụng một chiến lược mà tôi gọi là “Hoa hồng và Gai” như biện pháp để khuyến khích giải quyết xung đột hiệu quả.

Tôi cho phép học sinh bắt đầu bằng cách ghi lại những khoảnh khắc tích cực của chúng (“hoa hồng”) và những khoảnh khắc tiêu cực (“gai”) trong tuần.
Sau khi viết, tôi tổ chức một cuộc thảo luận, bắt đầu bằng “những cái gai”. Học sinh thường chia sẻ các vấn đề từ các lớp khác hoặc cuộc sống gia đình của chúng, hoặc những khó khăn trong quá trình học tập. Tôi khuyến khích học sinh đặt ra các câu hỏi cẩn thận, đưa ra các nhận xét mang tính chia sẻ, đồng cảm, hoặc đưa ra các giải pháp cho các vấn đề. Tôi thường ghi lại những chia sẻ của học sinh để nhắn tin hoặc gửi email thích hợp cho phụ huynh hoặc người giám hộ của chúng. Khi học sinh trở nên thoải mái hơn với các cuộc thảo luận này, tôi sẽ quay trở lại.

Đôi khi tôi là người chịu trách nhiệm đưa ra giải pháp, nếu học sinh không hiểu về một khái niệm hay một nội dung của bài học. Tôi lắng nghe mối quan tâm của học sinh một cách cẩn thận, và nhắc nhở chúng luôn đi tìm các giải pháp thích hợp. Trong nhiều trường hợp, tôi không thể đưa được các giải pháp cho các vấn đề của học sinh nhưng tôi luôn cố gắng thể hiện sự quan tâm và động viên học sinh tư duy tích cực.
Khi hai học sinh gặp vấn đề hoặc xung đột vớinhau, tôi thường cố gắng nuôi dưỡng tính độc lập tự chủ của chúng bằng cách để chúng tự tìm giải pháp. Tuy nhiên, nếu đó là một trường hợp nhạy cảm, tôi sẽ tách hai học sinh đó và nói chuyện với từng người một. Nếu cần thiết tôi sẽ tổ chức riêng một buổi gặp riêng với từng học sinh, trong đó có sự tham gia của phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường.

Chúng tôi luôn kết thúc với những “bông hoa hồng” — những khoảnh khắc tích cực trong tuần, cả trong và ngoài lớp. Việc chia sẻ chiến thắng của các đội, các điểm tốt, hoặc những chuyến đi dã ngoại cuối tuần cho phép tôi thoát khỏi sự căng thẳng trong tuần và những thách thức mà học sinh phải đối mặt.

NỖI ĐAU KHỔ CỦA KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ

Năm ngoái, tôi đã chấm điểm một bài kiểm tra, tôi đã cho cả lớp bị điểm dưới trung bình. Điều đó khiến tôi rất tức giận và căng thẳng. Nhưng sau đó, tôi đã nhận ra, có điều gì đó sai lầm trong cách hướng dẫn hoặc đánh giá của tôi hoặc cách tiếp cận của học sinh đối với bài kiểm tra.
Bước đầu tiên là xác định vấn đề – việc yêu cầu học sinh làm lại toàn bộ bài kiểm tra sẽ không hiệu quả. Vì vậy việc xác định vấn đề là rất quan trọng. Bài kiểm tra có một số thành phần: câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi trả lời ngắn yêu cầu dẫn chứng và phân tích ngắn gọn về một đoạn nào đó trong một bài đọc gần đây của chúng tôi.
Hóa ra phần mà học sinh gặp khó khăn nhiều nhất là đưa các dẫn chứng văn bản, vì vậy tôi đã xem lại bài học về kỹ năng đó, và nghiên cứu lại nó. Sau đó, tôi trả bài kiểm tra cho các học sinh cùng với một cách giải quyết vấn đề đơn giản và hiệu quả. Tôi đã biểu lộ sự thất vọng, nhưng không đổ lỗi cho bản thân hoặc học sinh – tôi chỉ đơn giản giải thích rằng những kỳ vọng của tôi về bài kiểm tra đã không được đáp ứng và chúng ta sẽ làm lại nó.
Sau đó tôi tóm lược lại nội dung bài học, tôi đã hướng dẫn học sinh cách sử dụng dẫn chứng văn bản và nhắc lại những kỳ vọng trong bài kiểm tra. Tôi cũng trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh trong thời gian này. Kết quả bài kiểm tra sau đó cho tôi thấy rằng bây giờ chúng có thể sử dụng kỹ năng này một cách hiệu quả.

CÔNG BẰNG

Các giáo viên tâm huyết luôn mang đến những điều kì diệu trong nghề nghiệp. Họ luôn tìm kếm và thúc đẩy sự đổi mới. Trở lại với vấn đề trong hợp tác với đồng nghiệp, tôi đã sử dụng chiến thuật suy ngẫm trong cả các cuộc họp của tổ bộ môn và cuộc họp toàn trường và coi đó là một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Chúng tôi bắt đầu các cuộc họp bằng cách đặt ra các mục tiêu để đảm bảo thời gian làm việc chung đạt hiệu quả nhất có thể. Các mục tiêu cần đơn giản, hợp lý và tập trung vào việc học của học sinh. Chúng tôi sử dụng chiếu máy chiếu để đảm bảo bất cứ ai tham gia cuộc họp đều có thể nhìn thấy. Và vào cuối mỗi cuộc thảo luận, chúng tôi trở lại vấn đề: Chúng ta đã đạt được mục tiêu nào?
“Trở lại vấn đề” cũng là cách để giải quyết các xung đột giữa giáo viên: Khi cuộc trò chuyện trở nên nóng hơn và căng thẳng gia tăng, thường một người sẽ chỉ ra mục tiêu của cuộc đối thoại và đặt câu hỏi, liệu mọi người có đang tập trung vào vấn đề. Nếu câu trả lời là có, câu hỏi này là lời nhắc nhở để giữ nguyên tình trạng hiện tại của cuộc tranh luận. Tuy nhiên, nếu một giáo viên đã đi quá xa hoặc lợi dụng việc tranh luận để giải quyết xung đột cá nhân, thì chắc chắn đó là lúc câu hỏi phát huy tác dụng giải quyết xung đột.

Kĩ năng giải quyết xung đột là điều mà giáo viên cần phát triển trong suốt sự nghiệp của mình. Chúng là khả năng tự lấy lại thăng bằng trong cảm xúc, suy nghĩ, hành động trước sự tác động của bất kể những khó khăn nào trong công việc. Khi chúng ta thực sự làm chủ được tình huống, cân bằng được cảm xúc, giải quyết được xung đột chúng ta có thể dạy nó cho học sinh. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo dụng một trường học hạnh phúc với một nền văn hóa tích cực.

Anna Mae Tempus

Lê Hải Thanh – TGD dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.